Chiều 17-11, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết đơn vị đã phẫu thuật cứu sống thành công 2 bệnh nhân nữ gặp biến chứng nặng sau khi dùng thuốc tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM.
TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân N.T.P.D (38 tuổi) bị hoại tử vùng bụng, 2 đùi và phải phẫu thuật 2 lần vết thương mới lành. Sau 1 tháng nằm viện, hiện sức khỏe của chị D. đã hồi phục và được xuất viện.
Bệnh nhân T.C.N.A (29 tuổi) có tình trạng nặng hơn, phải trải qua 6 lần phẫu thuật.
TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân T.C.N.A sau phẫu thuật.
Chị A. cho biết sau khi đọc được thông tin quảng cáo tan mỡ của Cơ sở thẩm mỹ Olux trên Facebook, vì nghĩ cơ sở này nằm ở trung tâm quận 1 nên chị an tâm đăng ký dịch vụ tan mỡ.
"Ban đầu tôi định làm mỡ bụng nhưng khi tư vấn cơ sở này nói có gói giảm giá từ vài chục triệu chỉ còn 13 triệu cho vùng đùi và bụng. Sau đó, tôi đồng ý làm. Họ tiêm vào 2 bên hông, bụng. Tuy nhiên, sau 10 ngày, tôi xuất hiện triệu chứng sưng, đau, chảy dịch. Do đó, cơ sở này sắp xếp cho tôi phẫu thuật tại 4 nơi khác nhau để điều trị biến chứng" - chị A. kể.
Chị A. cho biết sau 5 lần phẫu thuật, tình trạng ngày càng nặng. Nhận thấy chị mất máu quá nhiều, người nhà chị tìm cách đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Theo tiến sĩ Hiệp, hai bệnh nhân D. và A. nhập viện đều trong tình trạng nhiễm trùng, hoại tử và được phẫu thuật nhiều lần trước đó. Đặc biệt, bệnh nhân A. còn bị mất máu quá nhiều khiến sức khỏe kém. Do đó, bệnh nhân phải được bù thêm máu, đạm để nâng thể trạng cho bệnh nhân.
Tiến sĩ Hiệp cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca biến chứng thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây là các trường hợp đầu tiên biến chứng vì thuốc tan mỡ.
"Từ trước đến nay, bệnh viện chưa từng ghi nhận ca biến chứng nào vì thuốc tan mỡ nghiêm trọng như vậy. Vết thương hoại tử xuất hiện trên bụng, hông, đùi, lấn sâu xuống cơ quan sinh dục" - tiến sĩ Hiệp nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Hiệp, loại thuốc tan mỡ trên khi tiêm vào cơ thể, đã gây nhiễm trùng lan rộng. Thuốc có cơ chế làm tan tế bào mỡ, đồng thời làm tan tế bào thần kinh, mạch máu và mô liên kết khiến vết thương mãi không lành.
Chia sẻ về khó khăn của ca bệnh, tiến sĩ Hiệp cho biết do thuốc di chuyển không thể kiểm soát, không thể ngăn chặn khiến xuất hiện nhiều ổ áp xe mủ. Do đó, bác sĩ phải phẫu thuật cắt lọc, rạch hút ra dịch, mủ, máu liên tục cho đến khi hết lượng dịch tồn dư.
Ngoài sử dụng kháng sinh toàn thân, bệnh nhân còn phải dùng băng gạc đặc biệt để thấm hút.
"Không thể kể hết những lần tiểu phẫu, thủ thuật để lấy các ổ dịch này ra" - bác sĩ Hiệp chia sẻ.
May mắn, sau hơn 6 tháng nằm biến chứng sau thẩm mỹ, dự kiến ngày mai (18-11), bệnh nhân A. sẽ được xuất viện.
Theo tiến sĩ Hiệp, thuốc tan mỡ với thành phần chính là Phosphatidylcholin (tên thương mại là Lipostabil) từng được cảnh báo thiếu an toàn và không hiệu quả từ năm 1975 tại Đức. Thế nhưng, thuốc vẫn sử dụng tại một số nước trên thế giới.
Tiến sĩ Hiệp khuyến cáo năm 2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều quốc gia chính thức cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Tại Việt Nam, kỹ thuật này chưa được cấp phép.
Một số cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp tại Việt Nam đang quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" làm tan mỡ. Không ít phụ nữ đã lựa chọn phương pháp trên mà không biết hậu quả phải gánh chịu. Các biến chứng thường gặp nhất, bao gồm đau, sưng, kích ứng, bầm tím. Nghiêm trọng hơn là loét da, nhiễm trùng toàn thân, có thể nguy kịch đến tính mạng.
Thông thường, các biến chứng xuất hiện nhanh sau vài ngày tiêm thuốc. Tuy nhiên khoảng 10 ngày sau, tình trạng áp xe, sưng đau sẽ rõ rệt và nghiêm trọng.
"Nếu tiêm thuốc càng sâu, bệnh nhân không chỉ hoại tử ngoài da mà còn ăn sâu nhiều bộ phận, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật đau đớn" - tiến sĩ Hiệp lưu ý người dân cảnh giác trước những quảng cáo về thuốc tan mỡ đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.
Bình luận (0)