Trĩ là bệnh gặp ở mọi độ tuổi, cả nam và nữ. Bệnh nhân trĩ ngày càng trẻ hóa và có xu hướng tăng, nhất là người làm việc văn phòng; người thường xuyên sử dụng rượu bia, lười vận động…
Người mắc bệnh ngày càng trẻ
Cách đây 2 năm, anh N.M.Q (37 tuổi, ở Hà Nội) được chẩn đoán mắc trĩ nội độ 2. Trong lần tái khám mới đây, bệnh của anh đã chuyển sang trĩ nội độ 3. "Nếu trước đây búi trĩ bắt đầu lòi ra khi đi đại tiện có thể tự co lại nhưng nay nhiều khi phải dùng tay đẩy búi trĩ vào. Đó là chưa kể đến tình trạng đau rát hậu môn, chảy máu, thậm chí ngồi cũng khó khăn mỗi khi bệnh xuất hiện đợt cấp tính" - anh Q. chia sẻ.
Là dân văn phòng nên công việc của anh Q. gần như gắn chặt với bàn giấy, máy tính. Mỗi ngày anh thường ngồi từ 13-14 giờ. Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt, ăn uống của anh cũng thất thường. Đây là những nguyên nhân khiến bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh mắc các vấn đề về đường tiêu hóa
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức, cho biết các người trẻ mắc các bệnh về đại trực tràng, tầng sinh môn trong đó có bệnh trĩ ngày càng nhiều do thói quen sinh hoạt. Trước đây, bệnh lý này hay gặp ở tuổi trung niên, nhưng nay gặp nhiều ở người trẻ do ngồi sử dụng điện thoại, máy tính trong nhiều giờ, ít vận động. Ngoài ra, những người theo chế độ ăn kiêng ít tinh bột, nhiều đạm cũng dễ mắc bệnh do vài ngày mới đi ngoài một lần. Trẻ em mải chơi lười đi vệ sinh, một số em ngại nhà vệ sinh trường học bẩn nên "nhịn", lâu ngày thành táo bón, dẫn tới giãn đại tràng và chảy máu khi đi vệ sinh. Cuộc sống hiện đại, con người trở lên bận rộn, nhiều người trẻ có thói quen sử dụng đồ ăn nhanh, ít chất xơ và rau xanh tăng nguy cơ táo bón, dẫn tới mắc bệnh trĩ.
Theo giới chuyên môn, trĩ là căn bệnh thường gặp nhưng bệnh ở vị trí nhạy cảm nên người bệnh thường ngại đi khám. "Dù bệnh trĩ là bệnh lành tính nhưng khiến người bệnh mất tự tin, giảm chất lượng sống. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến dai dẳng gây ra biến chứng nặng nề như thiếu máu, viêm tấy lan tỏa tầng sinh môn, nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng" - bác sĩ Huyền lưu ý.
Điều trị ngay khi thấy phiền hà
PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn (Bệnh viện Việt Đức), cho biết bệnh trĩ tiến triển theo từng đợt, có thể một đợt cấp, sau đó tự diễn biến khỏi nên nhiều người chủ quan, thường tự chẩn đoán và tự chữa bệnh. Điều này rất nguy hiểm. "Nếu người bệnh không đi khám, điều trị đúng và kịp thời dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt sau này" - PGS Hùng cảnh báo.
PGS Hùng khuyên ngay khi bị bệnh trĩ gây phiền hà trong sinh hoạt thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Ngoài chế độ ăn uống và sinh hoạt, người bệnh phải dùng thuốc tại chỗ để điều trị. Nếu một số búi trĩ gây khó chịu mà điều trị nội khoa không hết thì phải nội soi thắt búi trĩ hoặc can thiệp ngoại khoa.
Giới chuyên môn cho biết trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ thì chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý là những yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn tới căn bệnh này. Thực tế có nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật cắt trĩ vẫn tiếp tục duy trì thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh khiến bệnh tái phát.
"Điều trị trĩ thậm chí phẫu thuật cắt trĩ cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài người bệnh cần thay đổi thói quen hằng ngày bởi đây mới là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh trĩ tái phát. Một số bệnh nhân cứ tưởng cắt trĩ là xong, nhưng nếu không có một chế độ dự phòng, không uống thuốc thì bệnh vẫn có thể tái phát. Do đó, cần loại bỏ những yếu tố thuận lợi cho bệnh trĩ tiến triển" - một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cho biết.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo cần tăng cường vận động, bởi khi ngồi nhiều và ngồi quá lâu sẽ tăng áp lực lên thành bụng cũng là yếu tố khiến cho bệnh trĩ phát triển. Để phòng nguy cơ bệnh trĩ hoặc bệnh tiến triển nặng hơn, nên uống mỗi ngày 1,5-2,5 lít nước tùy theo cơ thể và công việc. Khoảng 1-2 giờ nên uống 1 cốc nước 100 ml.
Nếu công việc phải ngồi nhiều, ít vận động thì cứ khoảng 2 giờ nên đi lại 5-10 phút, mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 30 phút.
Các thực phẩm cần tránh
Người mắc bệnh trĩ nên tránh thực phẩm có chứa ít hoặc không có chất xơ có thể làm cho táo bón và bệnh trĩ trầm trọng hơn. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo và ít chất xơ, góp phần gây ra táo bón và bệnh trĩ như: bánh ngọt, bánh rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên…; thức ăn cay, mặn, nhiều đường…
Không ngồi làm việc, ngồi xổm hay đứng quá lâu. Tập thói quen đi đại tiện hằng ngày vào một giờ nhất định và nên đi vệ sinh ngay khi cảm thấy mắc đi đại tiện. Không nên ngồi lâu khi đại tiện.
Bình luận (0)