Mỗi ngày Khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhi bị các bệnh tiêu hóa, trong đó 2/3 là tiêu chảy cấp. Cả khoa chỉ có 50 giường bệnh, nhưng số bệnh nhi đã lên tới 150, thậm chí có ngày tới trên 200!
Bùng phát tiêu chảy cấp
Bác sĩ Đỗ Văn Đô, Khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương, cho biết tác nhân gây dịch tiêu chảy hiện nay là rotavirus. Hầu hết các bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng mất nước, nhiều bệnh nhi đã bị suy kiệt. Khi nhiễm virus, bệnh nhi không tiêu chảy ngay mà biểu hiện ban đầu thường là sốt, viêm họng, nôn, biếng ăn, sau vài ngày mới tiêu chảy, phân toàn nước. Rotavirus lây nhiễm dễ dàng qua đường tiêu hóa, virus tồn tại trên đồ vật trong nhiều ngày, dễ lây ra thành dịch, nhất là tại các trường mẫu giáo, tiểu học, những nơi công cộng, thậm chí ngay tại nơi điều trị khi các BV không có điều kiện cách ly từng bệnh nhân tiêu chảy.
Tại TPHCM, ghi nhận tại khoa ngoại chẩn BV Nhi Đồng 1 và 2 cho thấy các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng tiêu hóa tăng nhẹ. Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, cho biết do miền Nam không có mùa đông rõ rệt, nên tiêu chảy do rotavirus xảy ra quanh năm, không bùng phát thành dịch như phía Bắc. Dù tình hình hiện nay chưa đến mức báo động, nhưng cũng phải cảnh giác vì dự báo sắp tới nhiệt độ còn giảm nhiều.
Các chuyên gia y tế cảnh báo một sai lầm thường gặp của các bậc phụ huynh là sử dụng thuốc “cầm” khi trẻ bị tiêu chảy. Thực chất, tiêu chảy là phản xạ tự nhiên của cơ thể đẩy virus, vi khuẩn ra ngoài. Do đó, việc bù nước thông qua đường uống hoặc đường truyền sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, khi bị tiêu chảy, sức khỏe của trẻ giảm sút, nếu không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Vì thế, nếu trẻ còn bú sữa thì sữa mẹ sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước, muối khoáng, các kháng thể chống nhiễm khuẩn đường ruột. Trẻ lớn hơn cần cho ăn nhiều bữa với hỗn hợp thịt, gạo, sữa, nước hoa quả.
Theo TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa BV Nhi Trung ương, tiêu chảy do rotavirus không thể điều trị bằng kháng sinh, cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách điều trị duy nhất là bù nước và điện giải. Khi tiêu chảy liên tục, trẻ cần được uống dung dịch oresol để phòng mất nước. Tuy nhiên, việc uống oresol cần được thực hiện đúng cách, uống từng muỗng, khoảng 15 phút cho uống 15 ml. Uống liên tục, thành ruột không kịp hấp thụ sẽ khiến tiêu chảy nặng hơn.
Bệnh đường hô hấp gia tăng
Tại BV Nhi Trung ương, những ngày qua số bệnh nhi nằm tại Khoa Hô hấp dao động ở mức trên dưới 150 ca. Với 50 giường bệnh, BV đành phải xếp 2 - 3 cháu nằm chung một giường. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, hô hấp và tiêu chảy là bệnh mang tính chất phổ biến, nhất là vào thời điểm chuyển mùa. Triệu chứng của trẻ bị cảm cúm thường là sốt, ho, sổ mũi, buồn nôn... bệnh có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Không riêng gì các khoa nhi, tại BV Bạch Mai, Khoa Hô hấp cũng đang được coi là “điểm nóng”. Tại khu vực phòng khám, hơn 2 tuần qua tấp nập bệnh nhân đến khám với lý do bị viêm họng, cảm cúm... trong đó chủ yếu vẫn là người già và trẻ em. Hiện tại, mỗi giường bệnh của Khoa Hô hấp ít nhất cũng phải xếp tới 2 bệnh nhân. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Khoa Dị ứng BV Bạch Mai. Trong số hơn 50 bệnh nhân điều trị thì có tới 1/3 số bệnh nhân bị hen phế quản. Theo GS-TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội hen, dị ứng và miễn dịch lâm sàng VN, thời tiết chuyển lạnh đột ngột hoặc những tác nhân gây dị ứng như: môi trường, khói bụi, khói thuốc, phấn hoa... là nguyên nhân khiến nhiều người có tiền sử hen rất dễ bị lên cơn co thắt khó thở và phải nhập viện cấp cứu. Để dự phòng cơn hen, người bệnh cần tránh xa các yếu tố khởi phát cơn hen, đồng thời thực hiện đúng các hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ.
Ở BV Nhi Đồng 1, số trẻ bị viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng, amyđan... ) đến khoa ngoại chẩn tăng nhẹ, khoảng 10%. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế dự báo nếu thời tiết vẫn diễn biến như hiện nay, hoặc nhiệt độ còn xuống thấp hơn, bệnh có thể bùng phát. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là giữ ấm cho trẻ, có chế độ ăn uống hợp lý. Nếu bệnh, cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người lớn tuổi cần cảnh giác với bệnh tim mạch ThS-BS Phan Hữu Phước, Trưởng Khoa Lão BV Nguyễn Trãi TPHCM, cho biết thống kê ở nhiều nước trên thế giới và cả ở nước ta cho thấy dịp cuối năm người già thường dễ bị đột quỵ não hoặc đột quỵ tim. Nguyên nhân là do hệ tim mạch và hô hấp của người già thường kém thích nghi so với người trẻ, vì thế khi thay đổi thời tiết người già khó điều chỉnh được huyết áp, thân nhiệt và nhịp tim, dễ dẫn đến tai biến. Để phòng tránh, bác sĩ Phước khuyên người già cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn vào dịp cuối năm, dùng đúng và đủ thuốc bác sĩ chỉ định, đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. |
Bình luận (0)