Đó là bệnh nhân M.H.K (29 tuổi), đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 8, có thể trạng béo phì, kèm theo yếu tố gia đình nhiều thành viên thừa cân, béo phì.
Theo các bác sĩ, những ngày đầu nhập viện, K. tỏ thái độ không hợp tác. Cho tới khi thở khó, viêm phổi do mắc Covid-19 mức độ nặng, bác sĩ chạy đua thời gian tận tình cứu chữa, K. mới được cứu sống ngoạn mục.
Vừa qua khỏi lằn ranh sinh tử và đang nằm tĩnh dưỡng chờ sức khỏe hồi phục, K. tỏ ra ân hận. K. viết lời xin lỗi các bác sĩ, chia sẻ trên nhóm điều trị tại bệnh viện: "Em nông nổi không chịu nghe hướng dẫn và cảm ơn các bác sĩ vì đưa em từ cõi chết trở về".
Một bệnh nhân Covid-19 nặng đang được theo dõi sinh hiệu tại khu hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến số 8
ThS.BS Lê Hoàng Văn, người trực tiếp điều trị tại khu R3 Bệnh viện dã chiến số 8, cho biết F0 không nên có tâm lý chủ quan. Đã có nhiều F0 vào viện trong tình trạng khỏe mạnh nên không chú ý, thậm chí không hợp tác với bác sĩ trong việc theo dõi sức khỏe, điều trị. Đến khi bất ngờ hụt hơi, khó thở thì hoảng loạn, mới nhờ đến những người bệnh chung phòng hỗ trợ và muốn được bác sĩ can thiệp kịp thời.
Đây là lưu ý quan trọng cho những người bệnh muốn được ở một mình ở căn hộ tách biệt. Chính những F0 khác chung phòng cũng đóng vai trò hỗ trợ kịp thời, tại chỗ và nhiệt tình để ứng cứu người bệnh trở nặng. Với diễn tiến bệnh có thể xoay chuyển bất ngờ, từ có triệu chứng nhẹ sang khó thở nhanh chóng thì việc ở một mình trong căn hộ riêng có thể bỏ mất thời gian vàng.
"Tại đây, nhiều bệnh nhân béo phì, lớn tuổi, bệnh nền phức tạp, người bệnh có bệnh lý tiết niệu và tổng quát đã vượt lằn ranh sinh tử để trở về nhà" - BS Văn cảnh báo.
Bình luận (0)