Bộ Y tế đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là việc quy định số con của mỗi cặp vợ chồng.
Nên để vợ chồng tự quyết
Quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, một luồng ý kiến cho rằng nên tiếp tục vận động “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con” hoặc cho phép “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Luồng ý kiến còn lại muốn áp dụng lại Pháp lệnh Dân số 2003, tức vợ chồng có quyền tự quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cho rằng việc trao quyền sinh con cho vợ chồng phù hợp với Hiến pháp và Công ước Cedaw mà Việt Nam đã ký kết. Quan trọng nhất là 10 năm qua, nước ta duy trì mức sinh thấp và đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. “Xu hướng này dẫn đến nguy cơ giảm dân số ở độ tuổi lao động, tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội” - ông Cử nhận định.
Bà Ritsu Nacken, quyền Trưởng đại diện UNFPA (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc) tại Việt Nam, nhấn mạnh thêm Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh bởi nó có thể tác động tới sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. “Việt Nam phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển” - bà Ritsu Nacken khuyến nghị.
Đồng tình với ý kiến chuyên gia, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, góp ý nên điều chỉnh chính sách dân số, nới lỏng quy định về số con. Bà Mai còn lưu ý việc hạn chế sinh con như hiện nay phải hết sức cân nhắc bởi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy không thể phục hồi được khi già hóa dân số quá sâu. Giải quyết vấn đề mức sinh thấp cũng khó hơn nhiều xử lý mức sinh cao.
Bộ Y tế: 2 con là đủ!
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), từ năm 2006 đến nay, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam luôn dưới mức sinh thay thế, trung bình dưới 2,1 con/bà mẹ.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết pháp luật hiện hành không ngăn cấm cũng như chế tài, xử phạt về sinh con. “Do đó, thông điệp truyền thông, vận động của ngành dân số đến từng người dân tới đây vẫn là “mỗi gia đình sinh 2 con” - ông Tân nhấn mạnh.
Theo ông Tân, vấn đề hiện nay là mức sinh ở các khu vực không đồng đều. Khu vực TP HCM, tỉ lệ sinh xuống rất thấp, chỉ khoảng 1,35 con/mẹ. Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL cũng chỉ khoảng 1,5 con/mẹ. Tuy nhiên, ở Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, tỉ lệ sinh đang ở mức 2,3-2,5 con/mẹ. Đặc biệt tại Nghệ An, tỉ lệ sinh lên tới 2,9-3,0 con/mẹ. “Để bảo đảm dân số phát triển đồng đều, chúng tôi sẽ đề ra các kế hoạch tuyên truyền, vận động phù hợp với từng vùng, từng miền. Các vùng có tỉ suất sinh cao thì tiếp tục vận động người dân “sinh từ 1-2 con”, còn những nơi có mức sinh thấp thì vận động “sinh đủ 2 con” - ông Tân chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, bộ này vẫn giữ nguyên quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con. “Trong 5 năm tới, nếu mức sinh xuống thấp hơn hiện nay thì mới xem xét nới lỏng quy định bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền được quyết định số con. Còn nếu làm ngay bây giờ, có thể sẽ dẫn tới gia tăng dân số không như mong muốn” - ông Tiến nói.
3 kịch bản dân số
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, hiện có 3 kịch bản về công tác dân số. Kịch bản 1: khi mức sinh tăng, tỉ suất sinh đạt 2,3-2,5 con/mẹ thì đến năm 2049, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 140 triệu người. Kịch bản 2: tỉ suất sinh giảm ở mức 1,35 con/mẹ, quy mô dân số Việt Nam đạt 95-100 triệu người vào năm 2049. Kịch bản 3: duy trì mức sinh hợp lý khoảng 1,9-2,0 con/mẹ, dân số Việt Nam vào năm 2049 đạt 115 triệu người.
Bình luận (0)