Điểm đáng nói là sau khi được thăm khám kỹ lưỡng, từ chẩn đoán hình ảnh cho đến xét nghiệm sinh hóa, nghĩa là tốn bộn tiền bảo hiểm nhưng thầy thuốc vẫn không tìm ra nguyên nhân!
Tất nhiên, người bệnh bên đó cũng được tầm soát bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu của một số bệnh nhân tuy không hoàn toàn trong định mức bình thường nhưng vẫn chưa đủ cao để chọn bệnh tiểu đường là lý do gây bệnh. Nhưng phần lớn bệnh nhân có hai điểm tương đồng về mặt triệu chứng bệnh lý. Đó là:
- Chất mỡ toàn phần trong máu tăng cao rõ rệt.
- Trọng lượng cơ thể ngấp nghé ở ngưỡng cửa béo phì. Nói cách khác, không có đối tượng nào không dư cân!
Sau khi loại bỏ các bệnh khác thuộc hệ nội tiết, nhất là sau khi tiến hành xét nghiệm đường huyết nhiều lần trong ngày, một số thầy thuốc giả định đây là một tình trạng được đặt tên hội chứng trước tiểu đường (prediabetic syndrom) do lượng đường trong máu tuy không tăng cao thường xuyên nhưng dao động theo hướng bội tăng, buộc tụy tạng phải không ngừng hoạt động để tung nội tiết tố insulin vào máu.
Giả thuyết thì phù hợp với xét nghiệm sinh hóa nhưng lại mâu thuẫn khi đối chiếu với thực tế vì hầu hết bệnh nhân không hề ăn ngọt quá lố, cũng không lạm dụng chất béo gốc động vật trong chế độ dinh dưỡng thường ngày. Đa số thậm chí ăn kiêng! Phần lớn số bệnh nhân cũng không có cuộc sống căng thẳng để có thể đổ thừa do nội tiết tố của tuyến thượng thận làm tăng đường huyết sau khi gây rối loạn biến dưỡng chất béo. Thế thì tại sao?
Sau khi rà soát nếp sinh hoạt của từng bệnh nhân, thầy thuốc bất ngờ khám phá đôi điều lý thú. Đó là bệnh nhân tuy không ăn ngọt theo kiểu bánh kẹo, mứt chè và tránh xa thịt mỡ nhưng lại thường dùng nhiều thực phẩm công nghệ mà không ngờ trong đó có nhiều chất làm tăng đường huyết như saccharose, fructose, maltose, dextrose, xylit (E 967), sorbit (E 420), mannit (E 421). Kết quả là người tiêu dùng góp đường giả trong thức ăn thành đường thật trong máu!
Một số bệnh nhân còn oan uổng hơn khi vét túi mua các loại thực phẩm gọi là ăn kiêng mà không biết các món ăn này tuy không làm đường huyết tăng một cách đột biến nhưng vẫn cung cấp năng lượng, thậm chí nhiều hơn thực phẩm thông thường! Hậu quả là bệnh nhân ăn kiêng nhưng vẫn mập, sau đó đi lần đến bệnh tiểu đường qua ngõ rối loạn biến dưỡng chất béo! Một ví dụ cụ thể: Sốt cà chua đóng hộp cung cấp năng lượng cao gấp đôi ly nước ngọt có gaz. Ly nước ngọt có gaz có chỉ số đường huyết gấp 6 lần ly nước trà. Nhưng ly nước trà xanh pha đường ăn kiêng lại cung cấp năng lượng tròm trèm 1 viên kem dùng đường thứ thiệt!
Người bệnh tuy có tránh đường cát, mỡ heo nhưng không ngờ là vẫn mang vào cơ thể nhiều năng lượng, thậm chí nhiều hơn các món bị thầy thuốc “chê”. Như vậy, không mập, không mệt, không tiểu đường, không cao huyết áp mới lạ!
Bình luận (0)