E.coli là viết tắt của thuật ngữ Escherichia Coli để chỉ một nhóm vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của con người và động vật, thường được gọi là trực khuẩn đại tràng vì bình thường chúng ký sinh ở đại tràng. Thực ra, phần lớn các vi khuẩn E.coli không có ảnh hưởng gì đáng kể đến sức khỏe trừ một số có thể gây tiêu chảy và tùy vào địa phương, độ tuổi người bệnh mà các vi khuẩn trên đây có những ảnh hưởng khác nhau.
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, người ta đã phát hiện chủng E.coli mới ký hiệu là E.coli O157: H7. Đây là chủng phổ biến nhất trong các E.coli gây bệnh tiêu chảy. Ở vài bệnh nhân, vi khuẩn này có thể gây rối loạn máu và suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong. Với trận dịch vừa qua ở châu Âu, vi khuẩn bị coi là thủ phạm là dạng đột biến của hai chủng vi khuẩn E.coli khác nhau. Đây là chủng vi khuẩn mới có những đặc tính khiến chúng nguy hiểm hơn nhiều so với hàng trăm loại chủng vi khuẩn E.coli trong ruột người.
Nguyên nhân nào dẫn đến nhiễm E.coli? Trước hết phải khẳng định đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường phân – tay – miệng. Chúng ta bị lây nhiễm E.coli từ phân qua các vật trung gian như bàn tay, vật dụng, thức ăn, nước uống… và được đưa vào cơ thể qua miệng. E.coli có thể xâm nhập vào thịt gia cầm hay thịt heo trong quá trình làm thịt nên nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín thì vi khuẩn có thể sống sót và thịt vẫn bị nhiễm khuẩn.
Chúng ta cũng có thể nhiễm E.coli qua tắm sông nếu nước bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử trùng bằng chlorine. Người ngộ độc thấy đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, thân nhiệt có thể hơi sốt. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, mỏi mệt, chân tay co quắp, đổ mồ hôi.
Nhiều người bị nhiễm E.coli mà không có triệu chứng và cũng không mắc bệnh. Khi bệnh nhân bị nhiễm E.coli nghiêm trọng (tức có thể làm rối loạn máu và suy thận) thường có thêm các biểu hiện như da xanh, lạnh, yếu cơ, tiểu ít… Thời gian ủ bệnh của E.coli từ 2 - 20 giờ. Tùy từng trường hợp mà biểu hiện bệnh khác nhau nhưng phần lớn các trường hợp nhiễm E.coli thường tự hồi phục, điều trị chủ yếu bằng bù nước và điện giải.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường, rửa tay ngay sau khi đi vệ sinh. Nơi chưa có nước sạch, tốt nhất là hứng nước mưa hoặc dùng nước máy đã qua xử lý để nấu nước uống và nấu ăn. Nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn (có thể sử dụng phèn chua hoặc viên cloramin B để khử khuẩn). Nước đã khử khuẩn phải đun sôi mới uống.
Bình luận (0)