Bệnh nhân là bé trai sinh ngày 31-1 năm 2017 tại TP HCM, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau 1 ngày, tức ngày 1-2 (mùng 5 Tết) Bé ra đời nặng 2,5 kg, đủ tháng và cuộc sinh bình thường. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ phát hiện cơ thể bé xuất hiện các bướu máu lan tỏa tàn thân, đặc biệt bên đùi phải có một khối bướu đang to dần lên. Đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu khác rất nặng, đưa đến nguy cơ chảy máu không cầm. Bé còn bị xuất huyết não nặng, nên phải chuyển viện khẩn cấp.
Ngay chiều tối hôm đó, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phải cố gắng tìm loại máu phù hợp, bởi với một sơ sinh mới 2 ngày tuổi, không thể cứ đơn giản là truyền nhóm máu phù hợp với đứa trẻ, mà còn phải truyền máu mới, phù hợp với nhóm máu của cả mẹ lẫn con nếu mẹ và con bất đồng nhóm máu. Bé được điều trị và theo dõi tại khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện.
Theo ThS-BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, đáng lo là sau khi truyền huyết tương và tiểu cầu, các bác sĩ vẫn không ngăn được hiện tượng khó đông máu và bướu máu vẫn lớn dần lên. Vì vậy, 2 ngày sau, tức ngày 3-1, ca bệnh được hội chẩn toàn viện. Cháu bé được quyết định phẫu thuật, tuy nhiên để có thể phẫu thuật, cháu bé cần được truyền một lượng lớn các sản phẩm máu để cầm máu, đồng thời phẫu thuật ngay lập tức. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa: ngoại sơ sinh, ngoại thần kinh, đơn vị can thiệp mạch máu, huyết học, phỏng – tạo hình bướu máu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, sơ sinh, hồi sức sơ sinh. Đơn vị tim mạch cũng “tranh thủ” phối hợp để giải quyết dị tật tim bẩm sinh cho bé.
“Đến hôm nay 6-2, tình trạng của bé đã khá ổn, hiện tượng giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu đã được ca mổ giải quyết hoàn toàn và bé không phải truyền thêm bất cứ sản phẩm máu nào nữa. Bé đang hồi phục tốt, dù vẫn đang phải thở máy. Về tiên lượng lâu dài, có thể có một tỉ lệ nhỏ rằng các bướu máu sẽ tái phát” – BS Tâm cho biết. Cháu sẽ tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện một thời gian nữa.
Bình luận (0)