“Thói quen mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, giá cả tùy tiện... còn khá phổ biến đối với các nhà thuốc tại TPHCM” - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết tại hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thực hành tốt nhà thuốc (GPP) được tổ chức ngày 6-1 tại TPHCM.
Chưa hết lúng túng
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, TP chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế dược cả nước. Mạng lưới bán lẻ bao gồm 4.159 cơ sở (3.667 nhà thuốc, 492 đại lý thuốc) tuy có đáp ứng việc cung ứng thuốc cho người dân nhưng bộc lộ nhiều khiếm khuyết do số lượng và quy mô quá lớn cùng những bất cập trong quản lý, hạn chế về ý thức và trình độ của người hành nghề.
Thực trạng các nhà thuốc khi tham gia GPP được bác sĩ Trần Thanh Tâm, Trưởng Phòng Y tế quận Bình Thạnh, dẫn chứng: Nhận thức về GPP của các dược sĩ và dược tá còn mơ hồ, nhiều nhà thuốc muốn xây dựng theo tiêu chí GPP nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Một nhà thuốc đạt chuẩn GPP tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Hàng loạt hạn chế đã bộc lộ: lúng túng trong xây dựng và vận hành quy trình thao tác chuẩn; khó chọn phần mềm thích hợp quản lý nhà thuốc; trình độ tin học của nhân viên nhà thuốc hạn chế; khó tìm được dược sĩ đồng ý thực sự hành nghề tại nhà thuốc... Việc tồn tại song song hai hệ thống GPP và non-GPP làm nhà thuốc GPP thiệt thòi về kinh tế vì kinh doanh nguồn thuốc hợp pháp, giá cả hợp lý, không có những nguồn lợi từ thuốc nhập lậu, phi mậu dịch, thuốc kém chất lượng, trốn thuế, tự do nâng giá...
Xu hướng tất yếu
Theo lộ trình Bộ Y tế quy định, kể từ ngày 1-1-2011, tất cả nhà thuốc trên cả nước phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn GPP. Tuy nhiên, đến thời điểm này tại TPHCM còn hơn 2.100 nhà thuốc, Hà Nội còn gần 1.000 nhà thuốc chưa đạt GPP.
Nhà thuốc GPP bảo đảm thuốc đạt chất lượng
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 41.000 cơ sở bán thuốc lẻ, trong đó có khoảng gần 10.000 nhà thuốc và mới chỉ có hơn 11% nhà thuốc đạt GPP.
Nhà thuốc GPP phải đạt các tiêu chuẩn chặt chẽ, có đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện bảo quản thuốc cũng như bán thuốc đến người tiêu dùng. Người mua thuốc tại nhà thuốc GPP được mua thuốc có nguồn gốc, chất lượng thuốc được bảo đảm, giá cả phù hợp, có hệ thống theo dõi, quản lý danh sách người mua thuốc để có thể truy tìm khi có sự cố phản ứng thuốc, được người phụ trách chuyên môn tư vấn sử dụng thuốc... |
Nhiều ý kiến cho rằng các nhà thuốc không thành lập nhà thuốc GPP là đánh mất cơ hội vì xu hướng tất yếu kinh doanh dược phẩm phải đạt chuẩn này. Ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Eco, chia sẻ việc thành lập hệ thống chuỗi nhà thuốc GPP đem lại hiệu quả kinh doanh cho đơn vị rất lớn, doanh số mỗi tháng tăng thêm từ 7%-10%.
Trong năm 2010, chuỗi nhà thuốc GPP công ty cũng đã phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách. “Để làm điều này phải xây dựng chiến lược từng năm, đầu tiên phải từ con người, kế đến quản lý rồi sau đó mới nghĩ đến hiệu quả” - ông Dũng nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đánh giá cao về sự nỗ lực của TP trong việc quy hoạch, xây dựng nhà thuốc GPP trong thời gian qua. Ông cho biết đây cũng là một trong những vấn đề “nóng” hiện nay. Mục tiêu quốc gia là hướng tới chăm sóc dược an toàn cho cả cộng đồng.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, thay mặt lãnh đạo nhận trách nhiệm và hứa đến tháng 3-2011 sẽ thực hiện 100% nhà thuốc trên địa bàn TP đạt GPP. Giải pháp cụ thể: Triển khai GPP toàn TP, tăng cường công tác hậu kiểm nâng chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong việc xét duyệt cấp GPP không để xảy ra sự cố trong ngành y tế như trong thời gian qua...
Bình luận (0)