Biến chứng nhiều và nặng
Gan nhiễm mỡ cấp ở thai kỳ tuy là bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong, thường xảy ra ở phụ nữ đa thai, sản phụ nhẹ cân (BMI dưới 20), nhất là ở người trẻ tuổi. Bệnh xảy ra khoảng giữa tuần 32-38 của thai kỳ.
Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cấp từ 1/7.000-11.000 trường hợp và xảy ra ở thai phụ sinh con lần đầu. Tỷ lệ tử vong cao, ở mẹ khoảng 18% do nhiều biến chứng và ở thai khoảng 47%.
Ban đầu người mẹ thường có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức đầu và đau bụng ở vùng thượng vị, chán ăn, có thể tiến triển đến vàng da, báng bụng thoáng qua, và có thể suy gan. Uống nhiều nước (2-3 lít) là triệu chứng sớm của đái tháo nhạt thoáng qua, trường hợp nặng có biểu hiện tiền sản giật (50-100%).
Ảnh minh họa: Internet
Biến chứng của gan nhiễm mỡ cấp ở thai phụ nhiều và nặng như: suy gan, bệnh não gan, rối loạn đông máu, hạ đường huyết, nhiễm trùng, suy thận nhẹ, xuất huyết nội, xuất huyết tiêu hóa (Hội chứng Mallory weiss, viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn đông máu), viêm tụy, băng huyết, thai chết.
Bệnh thường khó phát hiện khi khám lâm sàng gan do thai vào thời gian đó lớn. Nếu không phát hiện được bằng phương pháp này phải nhờ đến các xét nghiệm.
Siêu âm chẩn đoán và chụp CT cũng có thể giúp cho việc chẩn đoán nhưng chủ yếu dựa vào sinh thiết gan. Ở mẫu sinh thiết gan tìm thấy tình trạng thâm nhiễm mỡ dạng hạt nhỏ dễ thấy ở vùng tiểu thùy trung tâm, hoại tử dạng đốm ở tế bào gan và sự viêm nhiễm ứ mật cũng thường gặp.
Các bác sĩ cũng thường dựa vào các dấu hiệu để chẩn đoán như: bệnh cảnh lâm sàng, men gan tăng vừa phải, bilirubin tăng nhẹ (khác với viêm gan bùng phát do siêu vi hay độc tố); huyết áp tăng nhẹ, khát nước, suy thận nhẹ hơn nhiễm độc thai. Siêu âm để loại trừ nguyên nhân khác như u gan, nhồi máu gan, bệnh đường mật…
Chưa có thuốc đặc trị
Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ cấp ở thai kỳ hiện nay vẫn chưa rõ. Bệnh mang tính chất di truyền, thuộc bệnh lý ti lạp thể. Những bất thường trong cấu tạo vi thể của ti lạp thể và trong sự hoạt động của các men chu trình urê ti lạp thể đã được tìm thấy trong gan của những bệnh nhân này.
Người mẹ có một hay nhiều lần bị bệnh này sẽ có sự thiếu hụt men xúc tác trong quá trình oxi hoá ti lạp thể của acid béo ở trẻ. Trẻ có khiếm khuyết này bị hạ đường huyết, hôn mê và có nồng độ các men gan bất thường hoặc đột tử không tìm ra nguyên nhân.
Điều đó cho thấy những chất chuyển hoá độc hại được sinh ra từ quá trình chuyển hoá acid béo xen kẽ ở bào thai cùng với sự thiếu hụt enzym có thể ảnh hưởng xấu đến gan của những thai phụ mang gen dị hợp tử qui định khiếm khuyết này.
Hiện nay thai phụ bị gan nhiễm mỡ cấp chưa có thuốc đặc trị, sản phụ nhập viện khi có những dấu hiệu nghi ngờ gan nhiễm mỡ cấp nêu trên. Lời cảnh báo xấu nhất là “thai phụ buộc phải chấm dứt thai kỳ để an toàn cho bà mẹ nếu bệnh cảnh trở nặng”.
Bình luận (0)