Một khảo sát tại Mỹ công bố trong năm 2002 cho thấy có đến 5% dân số nước này bị GNM không do rượu, và riêng trong nhóm người béo phì và tiểu đường týp 2 thì con số này tăng lên từ 25%-75%!
Nếu kể thêm dạng GNM do rượu thì con số trên còn tăng cao đến chừng nào. Vì thế trong một tài liệu đào tạo sau đại học của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Hoa Kỳ, người ta đã dành hẳn một chương cho GNM với tiêu đề: GNM - Bệnh gan của thiên niên kỷ mới!
GNM hầu như không có triệu chứng
Tại VN, chưa có một thống kê nào về GNM trong cộng đồng, nhưng một ghi nhận nhỏ tại Khoa Siêu âm Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM cho thấy số người bị GNM được phát hiện hằng ngày tại đây vào khoảng 10%! Th.S - BS Đinh Dạ Lý Hương, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cho biết GNM là tình trạng mỡ tích tụ trong các tế bào gan, làm trọng lượng gan tăng lên khoảng 5%. Nguyên nhân thường làm GNM là tình trạng béo phì, ngoài ra là nghiện rượu, tiểu đường týp 2, bệnh tăng mỡ trong máu, nhiễm chất đồng, bệnh lao và đặc biệt là viêm gan siêu vi C mãn tính. Ngoài ra, việc dùng liều cao và kéo dài một số thuốc như corticoides, tétracycline, estrogen, thuốc chữa ung thư cũng làm rối loạn biến đổi mỡ trong gan, khiến gan bị nhiễm mỡ.
Người bị GNM hầu như không có triệu chứng gì, chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải. Do vậy, GNM thường được phát hiện một cách tình cờ, sau một xét nghiệm máu thường quy thấy men gan (SGOT, SGPT) tăng, hoặc sau khi được siêu âm.
Tại sao mỡ đọng lại trong gan?
Theo BS Đinh Dạ Lý Hương, có thể là do ruột gia tăng hấp thu chất mỡ, nhất là khi ăn quá nhiều chất béo động vật; do chất mỡ từ mô mỡ ở những nơi khác trong cơ thể được huy động bất thường đến gan; do ăn nhiều đường, khi chuyển đến gan một phần đường được gan cất dưới dạng glycogen, một phần khác được biết đổi thành mỡ; do tăng tổng hợp chất mỡ tại gan hoặc giảm sự chuyển tải chất mỡ ra khỏi gan vì thiếu một số chất để chuyên chở mỡ.
Nên siêu âm tầm soát bệnh 3 tháng/lần
TS-BS Lê Thành Lý, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - Gan mật BV Chợ Rẫy, cho biết đối với những người bị GNM do uống nhiều rượu trong một thời gian dài thì ngoài việc gây ra GNM, rượu còn gây ra viêm gan hoặc xơ gan. Đáng chú ý là ở những người này, GNM sẽ hồi phục khá “ngoạn mục” nếu ngưng uống rượu. Còn đối với người bị GNM không do rượu, sự có mặt của mỡ quá nhiều trong gan cũng dễ dẫn đến viêm gan. Người ta gọi đó là viêm gan do mỡ (VGDM) ở người không uống rượu. Một khảo sát tại Mỹ cho thấy người bị GNM không kèm viêm gan thường có một giai đoạn lâm sàng lành tính từ 10-15 năm. Ngược lại, khoảng 25% người VGDM sẽ tiến triển đến xơ gan trong cùng thời gian đó.
BS Hoàng Thu Hương, Phó Khoa Siêu âm BV Chợ Rẫy TPHCM, cho biết nếu phát hiện bị GNM qua siêu âm, mọi người đừng hoang mang và lo lắng. Thái độ đúng nhất là đến một bác sĩ chuyên khoa gan mật để được làm thêm một số xét nghiệm máu và chẩn đoán chính xác, bởi siêu âm chỉ có giá trị gợi ý, vì kết quả có chính xác hay không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm siêu âm. Mặc khác, siêu âm cũng không thể cho biết mức độ tổn thương của gan khi đã bị nhiễm mỡ. Nhưng dù gì thì theo BS Thu Hương, đối với người VN, siêu âm cũng là một phương tiện tầm soát bệnh gan rẻ tiền, đơn giản, không đau đớn, không xâm lấn. Những người có nguy cơ GNM nên đi siêu âm để tầm soát bệnh, 3 tháng một lần là tốt nhất.
Bình luận (0)