Dù hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng là nhiễm độc từ gạo mốc hay không nhưng nếu đúng như vậy thìrất nguy hiểm bởi nấm mốc là nguyên nhân chủ yếu sản sinh chất aflatoxin - chất độc nhất trong các chất cực độc.
Aflatoxin là tinh thể trắng, không bị phân hủy ở nhiệt độ thông thường. Nếu ở 120°C thì chúng ta phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc. Cho nên, aflatoxin có thể tồn tại bền vững trong thực phẩm và hoàn toàn không dễ dàng gì bị tiêu hủy bởi các men tiêu hóa. Tuy vậy, aflatoxin lại không bền dưới ánh sáng mặt trời và tia tử ngoại.
Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1. Đây là phân tử ái mỡ, có trọng lượng phân tử thấp, dễ dàng được hấp thu sau khi ăn và sự hấp thu là hoàn toàn. Khi đến ruột non, aflatoxin B1 nhanh chóng được hấp thu.
Thực phẩm nếu không được bảo quản tốt thì rất dễ ẩm mốc, sinh ra các loại nấm xanh, nấm có mủ... và đều chứa chất aflatoxin. Các loại nông sản thường bị nhiễm aflatoxin là ngũ cốc, hạt có dầu, gia vị và các loại quả, hạt... Con người có thể nhiễm aflatoxin qua việc sử dụng thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, thậm chí động vật ăn thức ăn nhiễm aflatoxin thì khi chúng ta sử dụng sữa của chúng cũng sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm aflatoxin.
Các nhà khoa học của Đại học Cornell (Mỹ) đã chứng minh được aflatoxin có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ từ thực phẩm, dù với hàm lượng cực thấp. Những hội chứng ngộ độc cấp có thể nhận thấy là nôn ói, đau bụng, sưng phổi, co giật, hôn mê và tử vong do phù não và tim, gan, thận tích mỡ.
Từ năm 1988, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cũng đã liệt aflatoxin vào nhóm độc chất gây ung thư với những bằng chứng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa chất độc này trong cơ thể với bệnh ung thư gan.
Bình luận (0)