Theo các chuyên gia trong ngành, nếu bị bỏng nhẹ (bỏng độ 1 - 2), bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng 10 ngày. Mức độ nặng hơn (độå 3) vết bỏng có thể tự liền sau 3 tuần nhưng để lại sẹo. Đây là những trường hợp được gọi chung là bỏng nông, cơ thể vẫn đủ khả năng tái tạo da và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Với trường hợp bỏng nặng (độ 4 - 5): diện tích bỏng rộng, vết bỏng sâu (có thể chiếm 40 - 50% diện tích cơ thể), tổn thương toàn bộ lớp mầm da, không có tế bào da thay thế sẽ gây ảnh hưởng rất nặng cho người bệnh, đặc biệt nguy cơ tử vong cao nếu bệnh nhân là trẻ em. Trường hợp này, việc ghép da được chỉ định nhằm giúp cho vết bỏng được bảo vệ, tránh được vi khuẩn xâm nhập, giúp vết thương có thể hồi phục. Với trẻ em đã bị bỏng sâu, lấy và ghép da tự thân (lấy da ở phần lành của cơ thể ghép che phủ cho vết thương) sẽ rất hạn chế do bản thân đã bị thương tổn, không đủ lượng da lành bù đắp. Để khắc phục khó khăn về "nguồn da ghép", Viện Bỏng quốc gia đã sử dụng da đồng loại tươi (lấy từ bố mẹ hoặc người thân cùng huyết thống) để che phủ tạm thời phần vết thương. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm: thời gian da ghép bám sống dài (trung bình là 19 ngày, tối đa có thể tới 41 ngày), da ghép không phụ thuộc vào sự tương hợp nhóm máu giữa người cho và nhận. Đây là những điều kiện rất thuận lợi giúp cho trẻ có thể hồi phục vết thương.
Mặc dù kỹ thuật ghép không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi những yêu cầu chuyên môn khắt khe: trước tiên, các bác sĩ vẫn phải lấy một lượng da nhỏ tự thân (da của bệnh nhân), căng rộng bằng việc rạch những đường nhỏ, tạo thành "tấm lưới" che phủ lên vết thương. Hoặc da tự thân có thể được lấy, tạo thành những miếng da nhỏ che lên vết thương (gọi là ghép kiểu tem thư). Da đồng loại tươi được bao phủ lên trên cùng, như một chiếc áo bảo vệ vòng ngoài. Lượng da ghép chỉ được phép lấy đủ mức cần thiết, da lấy phải rất mỏng, đảm bảo an toàn cho việc tái tạo da, mới tránh gây tổn thương cho vùng bị lấy da. Vì da ghép "sống" được nhờ việc thẩm thấu chứ không được nuôi trực tiếp bằng mạch máu nên độ mỏng của da còn là yếu tố quan trọng giúp cho da có thể bám sống. Vị trí ghép luôn được làm sạch cũng là một yêu cầu cần thiết.
Theo TS Nguyễn Viết Lượng (Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp, Viện bỏng quốc gia): “việc sử dụng ghép da đồng loại tươi của người lớn trên bệnh nhi bỏng sâu, diện tích rộng đã làm tăng diện tích che phủ; trung bình 1% diện tích da người lớn che phủ 3,2% diện tích tổn thương ở trẻ em. Sau hai tuần mổ ghép da che phủ, số bệnh nhân gặp tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy mòn nặng và các biến chứng giảm xuống rõ rệt". Các nghiên cứu cho biết: việc áp dụng kỹ thuật này đã giúp cho tỷ lệ bệnh nhi bị bỏng sâu, diện tích bỏng rộång (30-50% cơ thể) được cứu sống lên tới 90%. Tỷ lệ bệnh nhi bỏng bị nhiễm khuẩn huyết được cứu sống cũng đạt gần 80%. Đây là tỷ lệ rất cao so với thời điểm những năm 2001 trở về trước (lúc đó, tỷ lệ bệnh nhi bỏng sâu, rộng được cứu sống đạt khoảng 20 - 30%).
Bình luận (0)