Cháu Hoà 8 tháng tuổi, bị bỏng nước sôi toàn bộ tay trái, ngực, đùi và cẳng chân, vùng bỏng sâu 20%. Cháu đã được các bác sĩ Viện Bỏng cắt ghép da tự thân ở tay trái và ghép da lợn ở ngực. Lớp trung bì da lợn (nuôi trong phòng thí nghiệm để đảm bảo sạch bệnh) được xử lý vệ sinh, tiệt trùng. Trước khi sử dụng, chúng được ngâm bảo quản trong dung dịch glycerin hoặc tủ siêu lạnh âm 150 độ C. Tấm da lợn này có tác dụng như một lớp màng sinh học, bảo vệ vết thương, giảm đau và chống nhiễm khuẩn. Hiện nay, vết bỏng của cháu Hòa dưới lớp da lợn khô dần, đang lên da non.
Cháu Hoàng Chí Long (10 tháng tuổi, Hà Tây) cũng bị bỏng nước sôi, trong đó vùng chân bỏng sâu. Hai chân cháu đã được ghép loại màng sinh học đặc biệt từ trung bì da lợn, có tác dụng thay thế tạm thời các mô bị hoại tử. Khi vết bỏng trung bì liền, cháu sẽ tiếp tục được phẫu thuật để ghép da tự thân.
Hai cháu bé trên nằm trong số hàng nghìn bệnh nhân đã và đang được điều trị bỏng bằng ghép da lợn. Màng sinh học này có tác dụng rõ rệt với vết bỏng ở trẻ. Trẻ bỏng nông chỉ 10 ngày là khỏi, 2 tuần sau đã có thể xuất viện. Nếu vết bỏng sâu mà chưa có da để ghép, có thể dùng màng này để che phủ, kích thích phục hồi.
Mỗi tuần, Viện Bỏng sử dụng hết 500 đơn vị da lợn, tương đương 50.000 - 100.000 cm2. Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, kỹ thuật ghép da lợn giúp giảm chi phí thuốc điều trị bỏng tới 3/4. Nếu dùng kem kháng sinh Silvirin 1% nhập khẩu từ Ấn Độ, bệnh nhân bỏng 10% phải chi 300.000 đồng mỗi ngày, liên tục 5-7 ngày. Trong khi đó, nếu dùng da lợn bao phủ vết bỏng, họ chỉ mất 300.000 đồng cho 10 mảnh ghép.
Bình luận (0)