Cách đây một năm, anh L.B.N (20 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) bị tai nạn giao thông (TNGT), xương cẳng chân bên phải gãy hở mất đoạn. Anh đứng trước nguy cơ tàn phế do tình trạng xương gãy phức tạp khi nhiều cơ sở y tế trước đó từ chối điều trị.
Hai trường hợp điển hình
Đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM mới đây, N. được các bác sĩ (BS) Khoa Chấn thương Chỉnh hình thực hiện ghép xương cẳng chân cho anh bằng kỹ thuật vi phẫu. Các BS đã tỉ mẩn mổ lấy xương mác ở chân bên trái (chân lành) để ghép lồng vào lòng tủy xương chày bên chân phải (chân tổn thương), bắt vít cố định 2 đầu và tái lập tuần hoàn cho đoạn xương ghép. Ở trường hợp này, các BS nhận định việc ghép xương khối đồng loại sẽ không mang lại hiệu quả cao, thậm chí xương có nguy cơ bị hoại tử và thoái triển trong thời gian ngắn nên phải chọn kỹ thuật vi phẫu chuyển xương nói trên.
Một trường hợp khác là anh L.V.T (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) cũng bị TNGT gãy hở mất đoạn xương chày trái, đã được điều trị vài nơi nhưng 3 năm qua vẫn không thể đi lại được. Các đợt phẫu thuật không thành công trước đó để lại di chứng xương chày vẫn còn mất đoạn, phần mềm mặt trước hư hỏng nặng, đi lại không được và thậm chí đã có lời khuyên nên tháo khớp nhưng gia đình chưa đồng ý. Qua tìm hiểu, anh T. đến BV SAIGON-ITO
TP HCM để điều trị. Tại đây, các BS thực hiện phẫu thuật hàn xương chày mác bằng lối vào sau cho anh. Ca mổ kéo dài 3 giờ, phải dùng rất nhiều xương ghép tự thân (lấy từ xương chậu 2 bên). Chụp X-quang sau mổ cho thấy trục cẳng chân thẳng, chân không ngắn, xương ghép lấp đầy khoảng chày mác và đoạn xương chày bị mất. Kiểm tra sau gần 3 tháng xuất viện cho thấy phiến xương ghép đã dần hồi phục tốt.
Số người bị tai nạn gãy tay chân rất lớn
Giới chuyên môn cho biết ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của phương tiện, kỹ thuật, việc điều trị mất đoạn, khuyết hổng xương chày, xương cánh tay, xương hàm... sau điều trị cắt đoạn xương ung thư, viêm xương bệnh lý, viêm xương sau kết hợp xương... có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhiều phương pháp điều trị khác nhau như ghép xương tự thân, ghép xương đồng loại, ghép xương dị loại đã ra đời. Việc điều trị những trường hợp mất đoạn xương dài vẫn còn là thách thức lớn đối với các nhà chấn thương chỉnh hình. Tuy nhiên, việc ghép xương, hàn xương hiện nay là phương pháp đáng được chọn lựa cho những người không may bị tai nạn gây tổn thương nặng đối với xương, đặc biệt là ở chân, tay.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hỷ, Bộ môn Ngoại Trường ĐH Y dược Huế, hiện việc điều trị khuyết hổng đoạn xương dài (trên 6 cm) có 2 phương pháp chủ yếu là kéo dài chi và ghép xương có cuống mạch nuôi như ghép xương sườn, ghép xương mào chậu, ghép xương mác. Trong đó, ghép xương mác vi phẫu có nhiều ưu việt so với các phương pháp khác, đem lại hiệu quả cao trong điều trị khuyết hổng đoạn xương dài như xương chi trên, chi dưới. BV Trung ương Huế cũng thực hiện ghép xương mác bằng vi phẫu điều trị mất đoạn xương chày cho nhiều trường hợp bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông.
Tại các BV lớn ở TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Chấn thương Chỉnh hình, số lượng bệnh nhân bị tai nạn gãy tay chân từ các nơi chuyển đến rất lớn. Có những trường hợp tổn thương quá nặng, xương vỡ nát vụn, mất đoạn xương lớn…, nguy cơ tàn phế cao. Với phương pháp ghép xương, hàn xương, việc điều trị trong vòng vài tháng mở ra cơ hội phục hồi vận động đi lại cho những bệnh nhân này. Theo BS Vũ Minh Đức, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhân dân 115, chuyển xương mác bằng kỹ thuật vi phẫu được sử dụng trong rất nhiều trường hợp gãy phức tạp mất đoạn các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay hay xương hàm dưới… Đây là một lối thoát cho các bệnh nhân bị gãy phức tạp mất đoạn các xương hay bị ung thư cần cắt đoạn xương.
Bình luận (0)