Gần 2 ngày được cấp cứu, điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Việt H. cùng vợ là chị Nguyễn Thị Minh H. (nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội) sang Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện thăm 2 con đang được điều trị tại đây.
Gặp lại 2 con khỏe mạnh, anh chị H. phúc rơi nước mắt. Dù trước đó, rạng sáng 13-9, khi cả nhà được giải cứu khỏi đám cháy, đưa vào Bệnh viện Bạch Mai, nhưng mỗi người nằm một nơi, vợ chồng anh H. không khỏi lo lắng. Được biết ngoài vợ chồng anh H. và hai con thì bố anh H. cũng đang nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, sức khỏe ổn định.
Cả gia đình anh H. đoàn tụ sau vụ cháy. Ảnh. Ng. Hạnh
Anh H. cho biết anh cảm thấy gia đình mình quá may mắn vì cả 5 người đều đã ổn định. Anh rất chia sẻ với những người hàng xóm sống cùng chung cư có người bị thương nặng, có gia đình vẫn lạc người thân, có người đã không thể qua khỏi.
Nhớ lại thời điểm chung cư cháy, mất điện, tối om, anh kéo cả nhà chạy thẳng lên sân thượng nhưng trên đó khói nhiều, khó thở nên anh H. nói với vợ và kéo cả nhà quay lại phòng.
Việc đầu tiên khi vào nhà, anh đóng cửa chính rồi cả nhà lật tung các tủ quần áo lấy chăn, áo, gối... bất cứ thứ gì có thể thấm ướt để chặn khe cửa chính. Sau đó cả nhà vào phòng ngủ, đóng cửa và tiếp tục chặn khe cửa phòng ngủ và để cửa sổ phòng ngủ mở, dùng quạt tay liên tiếp quạt khói ra ngoài. Khi nhiều khói bốc lên sẽ đóng cửa sổ, thấy khói đỡ hơn, lại mở cửa sổ cho không khí vào nhà.
Hai vợ chồng nói ông nội và các con ở tư thế nằm rạp xuống sàn, cúi thấp xuống sàn nhà, thở ở vùng thấp. Tới khoảng 3 giờ 30 - khoảng 4 giờ đồng hồ sau vụ cháy - vòi chữa cháy bắt đầu phun được nước đến cửa sổ nhà anh H. Lúc này, anh mở cửa sổ ra để nước phun vào phòng, hết khói. Gia đình anh được cứu.
Các bác sĩ cho biết ngạt khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc. Trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
Do đó, trong tình huống xảy ra đám cháy, người dân nên phủ khăn ướt che kín miệng, mũi để tránh khói độc xộc thẳng vào có thể khiến người bệnh ngất xỉu ngay lập tức, luôn đi cúi thấp, trườn, bò vì để tránh hít phải quá nhiều loại khí này.
Trường hợp mắc kẹt trong đám cháy, cần hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối. Lấy khăn ướt hoặc một vật dụng lớn, làm ẩm và để nó gần mũi, miệng. Nước sẽ giúp lọc khí độc. Trong trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, cần đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Bịt khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.
Bình luận (0)