Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức - do nhu cầu chơi thể thao của người dân rất cao nên chấn thương thể thao gần đây cũng gặp nhiều hơn. Mỗi ngày, tại Bệnh viện Việt Đức có khoảng 20 trường hợp đến khám do chấn thương thể thao và có 5-10 trường hợp phải chỉ định phẫu thuật. Khoảng 80% bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 đến dưới 35. Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…
Bác sĩ khám một ca chấn thương
Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Có nhiều trường hợp người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi điều trị bằng thuốc nam, châm cứu, tiêm thuốc vào khớp… khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Theo PGS Khánh, chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường. Khi thấy có biểu hiện đau kéo dài nên đến khám và điều trị kịp thời; không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để đắp hoặc xoa bóp, tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
Bình luận (0)