Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km. Ở đây có khoảng 4.500 người dân. Chăm sóc sức khỏe cho ngần ấy người chỉ có 7 nhân viên cơ hữu của Trạm Y tế Thạnh An. Trong 7 người này, chỉ có 1 bác sĩ vừa làm chuyên môn vừa kiêm quản lý trạm.
Khó khăn đủ bề
Đêm 16-11, bác sĩ Lương Thanh Trường, Trưởng Trạm y tế Thạnh An, nhận được cuộc gọi cầu cứu. Bên kia đầu dây cho biết một phụ nữ 50 tuổi đột nhiên đau đầu dữ dội kèm chóng mặt, nôn ói. Trước đó, bà từng bị đột quỵ một lần, đã điều trị và hồi phục. Ngay lập tức, bác sĩ Trường xách vali cấp cứu, chạy xe máy tới nhà bệnh nhân.
Ông Tăng Chí Thượng theo dõi bác sĩ tình nguyện thao tác trên máy X-quang hiện đại mới trang bị cho Trạm Y tế Thạnh An
Qua thăm khám, bác sĩ Trường nhận định người phụ nữ bị nhồi máu não tái phát nên cho bà thở ôxy, dùng thuốc nội khoa; đồng thời liên hệ với ca-nô cấp cứu và Bệnh viện Cần Giờ để chuyển ngay bệnh nhân vào đất liền điều trị. Với tiền sử bệnh nhân từng đột quỵ, bác sĩ Trường lo lắng nếu vượt quá "thời gian vàng" để can thiệp, ở lần đột quỵ này, bà có nguy cơ liệt nửa người.
Quãng đường từ xã đảo Thạnh An vào đất liền là 5 hải lý. Tuy nhiên khi đó, biển đang nổi gió lớn, nếu vận chuyển bệnh nhân bằng ca-nô sẽ nhanh nhưng không an toàn. Do đó, bác sĩ Trường quyết định di chuyển bằng ghe gỗ. Trên đường đi, ông cùng đồng nghiệp liên tục cho bệnh nhân thở khí dung với dụng cụ cấp cứu chạy bằng pin.
May mắn sau khoảng 45 phút trên biển, ghe gỗ cập bến an toàn, bệnh nhân được xe cứu thương chờ đón về Bệnh viện Cần Giờ. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định và không bị liệt nửa người.
Bác sĩ Trường cho biết các y bác sĩ ở Thạnh An gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe cho người dân vì đặc thù địa lý, cơ cấu bệnh tật thay đổi… Để khắc phục, Sở Y tế TP HCM phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chương trình Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An với nhiều nội dung quan trọng.
Vui mừng vì "được khám bệnh trong ngày"
Trong ngày khởi động chương trình Nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An (18-11), lần đầu tiên Trạm Y tế Thạnh An đưa vào vận hành máy X-quang tại giường hiện đại có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống PACS (lưu trữ, truyền hình ảnh).
Chiếc máy X-quang này được tích hợp trí tuệ nhân tạo do chính các kỹ sư Việt Nam lập trình. Nó có thể đọc được chính xác tổn thương của bệnh nhân. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh hiện đại sẽ giúp các bác sĩ ở trạm y tế có thể dễ dàng kết nối, hội chẩn từ xa với các chuyên gia bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán chính xác và đưa phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Khi chứng kiến 2 người dân Thạnh An đầu tiên được chụp X-quang phổi ngay tại trạm y tế, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng thốt lên: "Giấc mơ đã thành hiện thực!". Ông Thượng cho rằng đây là một dấu ấn quan trọng của ngành y tế TP HCM khi Thạnh An là trạm tiên phong trong 310 trạm y tế của thành phố vận hành kỹ thuật này.
Theo chương trình, ngành y tế TP HCM sẽ cử luân phiên các bác sĩ trẻ tình nguyện từ các bệnh viện lớn của thành phố đến công tác tại Trạm Y tế Thạnh An. Các bác sĩ này sẽ được hưởng chế độ lương, thưởng, thu nhập tăng thêm từ bệnh viện mình đang làm việc. Khi ở đảo, các bác sĩ sẽ được chính quyền địa phương chăm lo chuyện ăn ở.
"Trong thời gian công tác tại xã đảo, kết hợp với việc khám sức khỏe, các bác sĩ sẽ chuyển những túi thuốc và dụng cụ sơ cứu trên biển đến các hộ gia đình ngư dân đánh bắt xa bờ" - ông Thượng cho hay.
Ở đợt tăng cường đầu tiên, 4 bác sĩ trẻ từ Bệnh viện Nhân Ái và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức xung phong. Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Bệnh viện Nhân Ái, cho biết chị rất vinh dự được về công tác xã đảo Thạnh An. "Đây là cơ hội để chúng tôi trau dồi bản lĩnh, chuyên môn và hơn hết là để chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo. Tôi mong sẽ nhận được sự tin tưởng của bà con" - bác sĩ Phượng bày tỏ.
Nghe tin Trạm Y tế Thạnh An được bổ sung nhiều bác sĩ và máy móc mới, ông Nguyễn Văn Lượng (47 tuổi) đến trạm từ sớm để khám bệnh vì "ho ran phổi" nhiều ngày qua. Ông cho biết đường vào đất liền xa xôi, nếu đi khám thì mất cả ngày trời, ông lại bận mưu sinh nên thường tự mua thuốc uống. "Nghe tin tôi mừng quá! Có bác sĩ, máy móc ở gần, chúng tôi thuận tiện vì vừa mần ăn vừa khám bệnh trong ngày" - ông Lượng phấn khởi.
Ngoài việc thường xuyên đưa bác sĩ về Trạm Y tế Thạnh An, Sở Y tế TP HCM cho biết chương trình còn chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế tại trạm.
Các bệnh nhân ở Thạnh An mắc các bệnh lý không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch… sẽ được quản lý, chăm sóc ngay tại trạm y tế xã với sự hỗ trợ về chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và các bệnh viện tuyến trên. Mô hình chuyển bệnh 2 chiều sẽ được áp dụng: chuyển lên tuyến trên đối với trường hợp bệnh nặng; sau khi điều trị ổn định thì bệnh nhân được chuyển trở về theo dõi, điều trị tại trạm y tế.
Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ đầu tư xây mới Trạm Y tế xã Thạnh An với các trang thiết bị cần thiết trong cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa. Trường hợp người dân mắc bệnh nặng, khó xử trí, trạm y tế sẽ hội chẩn từ xa với các bác sĩ chuyên khoa tuyến cuối của thành phố qua hệ thống Telemedicine.
Đặc biệt, để hạn chế tình huống người dân và trạm y tế gặp khó khi vận chuyển cấp cứu đường biển, thành phố đã xây dựng đề án phát triển mạng lưới cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ. Sắp tới sẽ có tàu cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
Toàn dân Thạnh An được khám sức khỏe định kỳ miễn phí
Định kỳ hằng quý hoặc đột xuất, Sở Y tế TP HCM sẽ cử nhiều đoàn bác sĩ chuyên khoa tuyến cuối tới Thạnh An để khám tầm soát miễn phí cho người dân. Mục đích là giúp người dân phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Toàn bộ người dân xã Thạnh An sẽ được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ sức khỏe điện tử để mỗi người có thể theo dõi, quản lý sức khỏe cá nhân.
Bình luận (0)