Cách ăn giảm căng
Chế độ ăn hợp lý không loại được stress, nhưng sẽ giúp chúng ta phản ứng tốt khi bị stress. Một số người có thói quen ăn quá mức khi bị stress. Hãy nghĩ đến lý do tại sao mình ăn: ăn vì đói hay chỉ để… chống stress?
Nên ăn thường xuyên, không bỏ bữa và đa dạng các loại thực phẩm. Vội mấy cũng chọn thức ăn tốt cho sức khoẻ như trái cây, sữa, yaourt, xôi, bắp, khoai, đậu phộng nấu, các loại bánh như bánh giò, bánh bao, bánh mì thịt… Hãy xem bữa ăn là dịp thư giãn: ăn chậm, nhai kỹ, thưởng thức vị món ăn. Chỉ ăn khi thấy đói và ngưng khi vừa no. Nên ăn cùng gia đình hoặc bạn bè, trò chuyện vui vẻ.
Mỗi bữa nên có ít nhất 3 – 4 nhóm thực phẩm. Ăn đủ tinh bột (gạo, mì, bánh mì, khoai, bắp, bánh quy lạt...) giúp phóng thích chất dẫn truyền thần kinh serotonin của não làm dịu căng thẳng. Thực phẩm giàu vitamin B (thịt, cá, rau xanh đậm và trái cây) có thể làm giảm ảnh hưởng của stress và tăng cường hệ miễn dịch. Stress dễ gây chuột rút và táo bón, ăn nhiều chất xơ (ngũ cốc thô, gạo lứt, gạo mầm, trái cây, rau, các loại đậu) sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt.
Cũng cần uống nhiều nước: uống những ngụm nhỏ, thường xuyên suốt ngày. Uống nước cũng giúp ngăn cản nhu cầu muốn uống càphê hoặc ăn linh tinh khi căng thẳng.
Thực phẩm cần tránh
Đường: không có dưỡng chất thiết yếu, lại không tốt cho hệ thần kinh. Nhiều người hay sử dụng nước tăng lực như một cách hồi phục sức khoẻ, kỳ thực hầu hết các loại nước tăng lực đều chứa rất nhiều đường và có cả caffeine với lượng cao hơn trong càphê và trà. Đường được hấp thu nhanh vào cơ thể kết hợp với sự hưng phấn do caffeine mang lại nên tạo cảm giác “khoẻ khoắn và tỉnh táo”, nhưng sau đó sẽ là cảm giác rất mệt mỏi và không có được giấc ngủ sâu.
Caffeine có trong càphê, trà, sôcôla, nước coca, nước tăng lực… làm phóng thích adrenaline nên làm tăng mức stress. Uống vừa phải, càphê có thể làm tỉnh táo, tăng hoạt động của cơ, hệ thần kinh và tim; nhưng sử dụng quá nhiều sẽ gây hậu quả giống như bị stress kéo dài: nhức đầu, bồn chồn, cáu kỉnh và khó ngủ. Tuy nhiên, đã nghiện caffeine thì cần giảm từ từ chứ không nên ngưng đột ngột vì có thể gây những triệu chứng giống như cai nghiện.
Muối: làm tăng huyết áp, có nhiều trong thức ăn chế biến sẵn, rau cải muối chua, mắm, khô...
Mỡ: chứa nhiều chất béo no, có thể gây béo phì và căng thẳng hệ tim mạch. Ăn nhiều mỡ còn có thể dẫn đến ung thư vú, đại tràng, tiền liệt tuyến...
Rượu: trớ trêu thay người ta lại thường giải sầu bằng rượu làm cho stress trầm trọng hơn. Rượu kích thích tiết adrenaline dẫn đến căng thẳng thần kinh, cáu kỉnh, mất ngủ. Uống rượu quá mức làm tăng tích mỡ ở tim và giảm chức năng miễn dịch. Rượu cũng làm giảm khả năng giải độc của gan. Trong quá trình bị stress, cơ thể sản xuất nhiều độc chất, khi gan không thể giải độc thì những chất độc này lưu thông khắp cơ thể làm tổn hại các tế bào.
Thuốc lá: nhiều người viện cớ hút thuốc để… suy nghĩ và vượt qua căng thẳng. Tuy nhiên, về lâu dài thì hút thuốc gây bệnh lý đường hô hấp, ung thư, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
Các phương pháp khác
Tập thể dục giúp “quên” những sự việc gây stress, tập thường xuyên giúp tim và hệ tuần hoàn làm việc tốt trong điều kiện khắc nghiệt kéo dài; cơ, dây chằng, xương, khớp dẻo dai hơn. Nên chọn hình thức tập luyện đa dạng để tạo thích thú, sẽ tập đều đặn hơn. Bắt đầu từ từ rồi tăng dần cường độ, người chưa quen nếu bắt đầu tập luyện cường độ cao có thể gặp nguy hiểm, hơn nữa khoảng một nửa những người tập quá căng thẳng thường bỏ cuộc trong vòng một năm. Tìm hoạt động lý thú như: đăng ký lớp tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, chăm sóc vườn cây, hoặc khiêu vũ… Đi bộ nhanh là hình thức tập cho bất kỳ ai, ngay cả đi nhanh bước ngắn cũng có thể làm dịu cơn stress, vừa đi vừa nghe nhạc lại càng hưng phấn. Bơi lội tốt cho nhiều người kể cả phụ nữ mang thai, người có bệnh lý về hệ cơ xương khớp. Yoga hoặc thái cực quyền rất hiệu quả để giảm stress do kết hợp lợi ích của thở, thư giãn cơ, làm tăng cảm giác dễ chịu và khả năng tập trung, đặc biệt có lợi đối với stress do đau kéo dài hoặc bệnh mãn tính.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên: một nghiên cứu cho thấy có thêm những niềm vui hàng ngày sẽ mang đến hiệu quả tích cực đối với hệ miễn dịch. Càng nhiều cách khuây khoả càng tốt, như: nghỉ cuối tuần dài ngày hoặc xin nghỉ phép đi đâu đó. Nếu gia đình là nơi gây stress thì hãy có kế hoạch đi ra ngoài dù chỉ 1 – 2 giờ mỗi tuần. Dành thời gian giải trí.
Bộc lộ cảm xúc: tâm sự với bạn bè, người thân hoặc chuyên gia tin cậy có thể giúp bạn dễ chịu hơn. Biểu lộ cảm xúc không có nghĩa trút sự bực bội vào cấp dưới, làm phiền bạn bè bằng những chi tiết vụn vặt. Cách tốt nhất là “nói” chứ không phải trút cơn giận, để giải thích với người tin cậy bằng cách tích cực nhất. Có thể không cần trao đổi trực tiếp. Viết báo, làm thơ, viết một bức thư nhưng không bao giờ gởi đi cũng có thể đủ để làm dịu. Tuy nhiên, biểu lộ cảm xúc chỉ giúp giải quyết một nửa của vấn đề. Hãy học cách lắng nghe, đáp lại người khác với sự thông cảm để giữ mối quan hệ bền vững cần thiết cho đáp ứng xúc cảm và giảm stress.
Hài hước: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, tiếng cười không chỉ giải thoát căng thẳng dồn nén mà còn có hiệu quả thể chất thật sự giúp giảm stress.
Hãy học cách lắng nghe, đáp lại người khác với sự thông cảm để giữ mối quan hệ bền vững cần thiết cho đáp ứng xúc cảm và giảm stress. |
Bình luận (0)