Tiến sĩ Lê Minh Công ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) vừa triển khai dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19". Khoảng 30 bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia công tác xã hội đã tư vấn miễn phí cho người dân.
Thay đổi thói quen sống
Theo TS Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, dịch Covid-19 là một yếu tố khủng hoảng, kích hoạt nhiều khó khăn về tâm lý và sức khỏe tâm thần của mỗi người. Dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.
Do giãn cách xã hội nên khó khăn trong kết nối, thay đổi thói quen sống dẫn tới sự gò bó, hạn chế vận động thể chất. Những thông tin về dịch bệnh và lo sợ bị nhiễm bệnh, khủng hoảng tài chính, khó tiếp cận các dịch vụ y tế và thiếu thốn trong việc được cung cấp các nhu cầu thiết yếu là những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng.
Những yếu tố nguy cơ trên có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần hay tâm lý như stress kéo dài, trầm cảm, lo âu, ám ảnh sợ đặc hiệu hoặc cưỡng chế, rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể hoặc phân ly)… Đặc biệt, đối với những người thuộc F0, F1 sẽ có cảm giác bị cô lập, cô đơn, cảm thấy có lỗi.
"Dịch bệnh làm gia tăng các rối loạn tâm thần, các hành vi tiêu cực đến sức khỏe như thức khuya, hút thuốc lá, lười vận động. Thậm chí, có người gặp khủng hoảng trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình, khủng hoảng trong hôn nhân" - TS Lê Minh Công thông tin.
TS Lê Minh Công cho biết dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19" đã hoạt động được 3 tuần, số lượng người đăng ký yêu cầu hỗ trợ tâm lý, tâm thần khoảng hơn 150 người và hằng ngày vẫn tăng lên.
Trung bình mỗi một trường hợp, bác sĩ tâm thần sẽ trao đổi trong khoảng 15 phút, sau đó chẩn đoán và kê toa, tư vấn; riêng những trường hợp phải tư vấn tâm lý, nhà tâm lý thường phải trao đổi tư vấn với thân chủ nhiều giờ liền; thời gian các chuyên viên giáo dục đặc biệt hay âm ngữ làm việc với "đối tác" cũng tương tự như vậy.
Nhóm thực hiện dự án đã nhận được nhiều câu hỏi tư vấn liên quan đến các tác động của dịch Covid-19. Chẳng hạn một học sinh chuẩn bị làm hồ sơ xin visa năm sau đi du học nhưng phải tạm hoãn vì dịch bệnh khiến em bị căng thẳng, rối loạn lo âu, chán nản, mất ngủ, dễ kích động, cảm xúc dễ thay đổi theo hướng tiêu cực.
TS Lê Minh Công đang tư vấn cho người dân bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: CÔNG LÊ)
Các giá trị tích cực
Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng lên tâm lý và sức khỏe tâm thần của mỗi người là như nhau, nhưng mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào cách tiếp cận và giải quyết khủng hoảng của từng cá nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, cho biết có nghiên cứu cho thấy số lượng người mắc các rối loạn tâm thần tăng gấp 3 lần so với năm 2020, đặc biệt là nhóm từ 18 tuổi đến 29 tuổi. Thông qua quan sát các thân chủ tham vấn, bác sĩ Hòa nhận thấy có nhiều phản ứng và khủng hoảng khác nhau trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, nhất là sau đợt dịch thứ 4 kéo dài. Trong đó, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, người cao tuổi và nhân viên y tế hay người ở tuyến đầu chống dịch.
Để chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần trong dịch, bác sĩ Hòa khuyến cáo người dân nên tiếp cận các thông tin chính thống về dịch bệnh, chọn lọc những thông tin tích cực làm cho chúng ta an lòng để đọc. Tránh đọc, bình luận những thông tin chưa được xác thực, tiêu cực trên mạng xã hội.
"Hãy dành thời gian này để nghỉ ngơi, nhận định lại các giá trị tích cực của bản thân mà trước giờ ta chưa nghĩ đến và cần hành động tích cực vì các giá trị ấy. Dành thời gian cho người thân yêu như cha mẹ, con cái, chồng hoặc vợ, khi dành thời gian thích đáng và sự thấu hiểu, yêu thương chúng ta sẽ cảm nhận thấy hạnh phúc" - bác sĩ Hòa tư vấn.
ThS Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, đưa ra những khuyến cáo: Mọi người hãy xây dựng thói quen tốt và thực hành nó một cách thường xuyên như ăn và ngủ đúng giờ, vận động thể chất, đọc một cuốn sách hay, nói chuyện với bạn bè trực tuyến. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Nếu không thể chống đỡ được các khủng hoảng thì hãy nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia.
Dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19" được thành lập nhằm kết nối các nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, thông qua đăng ký trên đường link có sẵn trên Facebook, hoặc gọi đến số hotline của dự án. Các chuyên gia sẽ tư vấn miễn phí cho cộng đồng các cách thức phòng ngừa, sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần, hay rối loạn tâm thần, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần.
Link đăng ký: https://forms.gle/kYHXwqHxkGszFy4F6. Điện thoại: 0888064266
Bình luận (0)