Hình ảnh bệnh nhân bị biến chứng do giảm béo quá đà - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Mới đây, một cô gái 19 tuổi đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nguy kịch, suy gan, suy thận.
Trước đó, bị bạn bè chê béo, cô gái đã mua trà giảm cân trên mạng để uống và giảm tới 5 kg chỉ trong vòng 2 tuần. Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng gấp 30 lần bình thường, gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận.
Theo TS-BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhiều chị em khi vào viện để hút mỡ cứ nằng nặc đòi bác sĩ một lần hút sạch, từ mỡ bụng, mỡ đùi, mỡ bắp tay… Thậm chí, có những trường hợp mong muốn giảm cân cấp tốc nên đã uống các thuốc giảm béo, làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Tôi đã từng điều trị cho 3 trường hợp vào viện sau vào thời điểm cận Tết khi giảm béo bằng thuốc tiêm vào khối mỡ làm tan mỡ. Bệnh nhân khi đến viện trong tình trạng mỡ bị phân hủy nhưng không tan, vây quanh mạch máu, thần kinh xung quanh, tạo thành ổ đọng dịch, hoại tử"- bác sĩ Kiêm cảnh báo.
Theo bác sĩ Kiêm, đây là loại thuốc vốn có tác dụng điều trị chống đông tắc mạch, nhưng một số cơ sở spa lại dùng để tiêm tan mỡ. Người ta tiêm vào tất cả chỗ nào khách hàng muốn giảm mỡ như bọng mỡ mắt, mỡ cằm, mỡ bụng. Khi tiêm vào, thuốc gây phân hủy mỡ nhưng không tiêu tan, ứ đọng lại thành ổ dịch. Đáng lo ngại hơn, theo bác sĩ Kiêm là trong các tài liệu công bố đến nay chưa nước nào cho phép dùng thuốc này giảm mỡ, nhưng ở Việt Nam đã có một số trường hợp bị biến chứng hoại tử da bụng, mặt... vì tiêm thuốc giảm mỡ này.
Cũng theo bác sĩ Kiêm, với những trường hợp giảm cân bằng phương pháp hút mỡ, không thể "rút" một lần là hết sạch mỡ thừa mặc dù giảm béo bằng các phương pháp xâm lấn như phẫu thuật cắt vùng mỡ thừa, hút mỡ (hoặc kết hợp cả 2 phương pháp) cho phép giảm lượng mỡ rất lớn, thậm chí đến 10 lít mỡ trong một lần hút. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây các nguy cơ không mong muốn như tụ dịch, tụ máu, gây tắc mạch nên chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có chuyên môn. "Có rất nhiều chị em đến BV đã đề nghị bác sĩ hút một lần hết luôn cả mỡ bụng, mỡ tay và mỡ đùi. Thế nhưng không phải khách hàng cứ muốn hút bao nhiêu mỡ là được hút. Bởi theo nguyên tắc, lượng mỡ được tính toán hút ra phù hợp, sau đó sẽ được truyền bù lượng dịch, chống sốc tương ứng với lượng mỡ hút theo quy định. Lượng mỡ hút ra sẽ phụ thuộc cân nặng, vùng lấy da, cân đối của cơ thể… tính toán trên từng bệnh nhân. Nếu hút quá nhiều mỡ cùng lúc sẽ có nguy cơ gây sốc, rối loạn cân bằng dịch thể, chuyển hoá trong cơ thể rất nguy hiểm"- bác sĩ Kiêm cảnh báo.
Theo giới chuyên môn, với những trường hợp giảm béo bằng phẫu thuật, mỗi người trong một lần hút chỉ nên ở mức 8 – 10% trọng lượng cơ thể. Mỗi lần chỉ nên làm một vùng cơ thể chứ không nên vừa hút mỡ bụng, vừa hút mỡ đùi, bắp tay… Việc hút số lượng mỡ lớn sẽ khiến cơ thể lâu phục hồi. Nghiêm trọng hơn của biến chứng hút lượng mỡ nhiều là gây mất dịch, suy tuần hoàn.
Bình luận (0)