“Chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật xong thì bệnh nhân bỏ tuyến dưới theo luôn thầy thuốc về tuyến trên. Đi xuống, đi lên đều lãng phí. Tuyến dưới phòng xét nghiệm không có, người không có, vậy chuyển giao tràn lan để làm gì?”. Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt ra tại hội thảo “Tăng cường thực hiện Đề án bệnh viện (BV) vệ tinh và Đề án 1816 nhằm góp phần giảm quá tải BV” do Bộ Y tế tổ chức ở TPHCM ngày 9-7.
Vừa thiếu vừa yếu
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Tỉ lệ mắc bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh.
Ngành y tế đang còn nhiều bất cập như thiếu bác sĩ so với nhu cầu thực tế (6,59 bác sĩ/10.000 dân), trình độ nhân lực không đồng đều, thiếu bác sĩ chuyên môn tay nghề cao, thiếu thốn trang thiết bị dẫn đến mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quá tải ở BV tuyến trên đang là vấn đề nổi cộm khi vượt công suất giường bệnh lên đến 120%-160%, đặc biệt là các bệnh chuyên khoa về ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi… Trong khi đó, năng lực BV tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bệnh nhân do thiếu cán bộ chuyên khoa, trang thiết bị, vật tư kỹ thuật chuyên sâu...
Bệnh nhân quá đông, nằm cả ở ngoài hành lang của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM
Những năm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới (Đề án 1816) trên phạm vi cả nước, xây dựng mô hình BV vệ tinh (chỉ thực hiện thí điểm tại một số BV khu vực miền Bắc do BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức đảm nhiệm).
Sẽ trình Chính phủ đề án bệnh viện vệ tinh
Theo Bộ Y tế, Đề án BV vệ tinh triển khai thí điểm từ năm 2005 nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho các BV tuyến tỉnh ở phía Bắc về các lĩnh vực ngoại khoa như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật chấn thương (chi, ngực, bụng), hồi sức cấp cứu, nội khoa nhằm góp phần quá tải, đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh. Hiện đề án này tiếp tục triển khai trên phạm vi toàn quốc, tập trung đối với các chuyên khoa quá tải trầm trọng ở Hà Nội và TPHCM như ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao giải pháp giảm tải của ngành y tế TPHCM và cho biết đề án BV vệ tinh là tâm huyết của Bộ Y tế và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7 này. Riêng về Đề án 1816, mới có tuyến TP chuyển giao cho tuyến tỉnh, còn tuyến tỉnh luân phiên hỗ trợ xuống tuyến huyện thì quá hiếm hoi. “Đề án 1816 vẫn duy trì như cũ nhưng phải thay đổi, không làm tràn lan mà phải có địa chỉ. Chúng ta không nên nhìn vấn đề này bằng màu hồng mà cần làm lại, không phải làm để báo cáo” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Nhiều địa phương muốn thu viện phí kịch trần BHXH Việt Nam ngày 9-7 cho biết thời điểm này, hầu hết các địa phương đã hoàn tất việc xây dựng mức giá dịch vụ y tế theo quy định tại Thông tư 04 do liên bộ Y tế và Tài chính ban hành. Tuy nhiên, thống kê cho thấy nhiều địa phương đã đề xuất khung viện phí chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Theo ông Lê Văn Phúc, Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), trong số 50 địa phương gửi báo cáo về mức giá dịch vụ y tế mới, đã có 10 tỉnh đề xuất mức giá gần như kịch trần, tương đương với 90%-100% mức giá tối đa của khung viện phí mới. Trong khi đó, mức giá tối đa này chỉ áp dụng với các bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, 108.
D.Thu |
Bình luận (0)