Từ hôm nay (15-7), hàng chục dịch vụ y tế có tần suất sử dụng cao tại các cơ sở y tế sẽ được giảm giá theo Thông tư 15/2018. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế thực hiện giảm giá nhiều dịch vụ y tế sau khi điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ từ năm 2016.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính - Bộ Y tế, dù giá dịch vụ quy định tại Thông tư 37 được thực hiện gần 2 năm nay chưa tính đúng, tính đủ chi phí trực tiếp nhưng các bộ, ngành cũng thống nhất điều chỉnh giảm viện phí từ nay đến năm 2020 (chưa điều chỉnh mức đóng BHYT) mà vẫn bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá lần này nhằm hạn chế, kiểm soát việc chỉ định các dịch vụ.
Viện phí giảm sẽ kéo theo việc giảm chi từ tiền túi của người bệnh từ những dịch vụ phải đồng chi trả
"Qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận có những dịch vụ sử dụng khá lớn nên cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết" - ông Liên giải thích. Hơn nữa, thời gian qua, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng; các bệnh viện (BV) - nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện - được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng, có chính sách thông tuyến nên tần suất khám chữa bệnh/thẻ BHYT tăng. Một số yếu tố khác như: giá thuốc, vật tư, hóa chất giảm do đấu thầu tập trung cũng góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm giá hàng chục dịch vụ thiết yếu lần này cũng kéo theo nguồn thu của các BV giảm trầm trọng. Từ đó, không ít ý kiến lo ngại việc này ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Việt - Giám đốc BV Đa khoa huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - cho biết BV đã hoàn tất việc nhập giá mới cho những mã dịch vụ được điều chỉnh giá. "So với giá cũ, BV ước tính giảm thu khoảng 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, với số thu hơn 100 tỉ đồng/năm thì không ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như đời sống của nhân viên. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các dịch vụ kỹ thuật, nhất là kỹ thuật cao, để người bệnh yên tâm khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở" - ông Việt nói.
Khẳng định việc điều chỉnh viện phí sẽ giúp người dân chưa phải tăng mức đóng BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh các cơ sở y tế đang phải thực hiện lộ trình tự chủ tài chính thì việc điều chỉnh Thông tư 15 này sẽ khiến cơ sở y tế ít nhiều gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi Chính phủ chưa cho phép thay đổi mệnh giá thu BHYT đến năm 2020 thì Thông tư 15 sẽ giúp quỹ BHYT bền vững hơn mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, kiến nghị Bộ Y tế cần ban hành và công khai định mức kỹ thuật để cơ sở y tế biết và người bệnh có thể giám sát. Theo ông Phúc, không thể cùng thanh toán giá cho giường bệnh 200.000 đồng, trong khi một BV có định mức nhân lực 0,4-0,5 nhân viên y tế/giường bệnh và một BV đầu tư 1-1,2 nhân viên y tế/giường bệnh.
Ngoài ra, đại diện cơ quan BHYT cũng đề nghị Bộ Y tế xử lý đối với trường hợp thu thêm của bệnh nhân những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế.
Xét nghiệm, chụp chiếu, phẫu thuật... đồng loạt giảm giá
Theo thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 15-7, tại các cơ sở y tế công lập, 88 dịch vụ y tế có sự thay đổi về giá, trong đó chủ yếu điều chỉnh giảm giá. Cụ thể, giá khám tại BV hạng đặc biệt, hạng 1 từ 39.000 đồng nay còn 33.000 đồng/lượt; BV hạng 2 từ 35.000 đồng còn 29.600 đồng/lượt, BV hạng 3 từ 31.000 đồng còn 26.000 đồng/lượt, BV hạng 4 và trạm y tế xã từ 29.000 đồng còn 23.300 đồng/lượt.
Các dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm giảm giá mạnh, như chụp X-quang số hóa 1 phim từ 69.000 đồng giảm còn 62.000 đồng/vị trí chụp; CT Scanner đến 32 dãy từ 970.000 xuống còn 620.000 đồng; chụp CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy từ 2.266.000 đồng còn 1.689.000 đồng (chưa bao gồm thuốc cản quang); chụp CT Scanner toàn thân 64 dãy - 128 dãy từ 4.136.000 đồng còn 3.435.000 đồng; chụp PET/CT từ 20.114.000 đồng còn 19.614.000 đồng; chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang từ 2.336.000 đồng còn 2.200.000 đồng/dịch vụ; đo mật độ xương bằng siêu âm từ 79.500 đồng còn 20.000 đồng.
Một số dịch vụ xét nghiệm cũng giảm giá. Cụ thể, đường máu mao mạch từ 23.300 đồng còn 15.000 đồng; tổng phân tích nước tiểu từ 37.100 đồng còn 27.000 đồng; xét nghiệm mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert từ 2.200.000 đồng nay còn 330.000 đồng...
Đặc biệt, một số phẫu thuật giá "sốc" như phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF từ hơn 7,2 triệu đồng xuống còn 3,6 triệu đồng (chưa bao gồm mạch máu nhân tạo, động mạch chủ nhân tạo); phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu đồng còn 2,8 triệu đồng; phẫu thuật điều trị són tiểu từ hơn 12,3 triệu đồng còn hơn 5,2 triệu đồng (chưa bao gồm tấm màng nâng hoặc lưới các loại); nội soi tai mũi họng từ 202.000 đồng còn 100.000 đồng. Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ gần 3,7 triệu đồng còn 1,6 triệu đồng; tắm điều trị bệnh nhân hồi sức, cấp cứu bỏng (gây mê) từ 1.082.000 đồng còn 757.400 đồng; truyền hóa chất tĩnh mạch cho với bệnh nhân ngoại trú có giá từ 148.000 đồng nay còn 120.000 (chưa bao gồm hóa chất)...
Bình luận (0)