Vừa chạy được mấy bước khi tham gia trò chơi vận động trong hội thao do cơ quan tổ chức, anh Ng.V.A.S (32 tuổi; ngụ quận 6, TP HCM) đã được… đưa thẳng đến bệnh viện (BV). Sau đó, anh phải phẫu thuật vì bị đứt dây chằng ở đầu gối.
Đừng tưởng "chuyện nhỏ"
Trước khi mổ, anh S. vẫn ấm ức: "Dây chằng mong manh vậy sao? Tôi mới chạy mấy bước…". Bác sĩ (BS) điều trị cho S. giải thích rằng đầu gối của anh đã sẵn thương tổn cũ, hệ thống dây chằng đã suy yếu.
Quả thật, trước đó 3 năm, S. từng bị chấn thương khi chơi thể thao, BS chẩn đoán giãn dây chằng và buộc anh cố định đầu gối 4 tuần. Tuy nhiên, bạn bè đã tìm và tặng anh rất nhiều thuốc bôi, xoa bóp. S. sử dụng thuốc này và hơn 1 tuần sau đã hết đau nên bỏ nẹp đầu gối ra, mừng thầm rằng cơ thể mình khỏe mạnh, dễ hồi phục. Ai ngờ, việc nẹp cố định không đủ thời gian đã khiến thương tổn cũ của anh không lành hoàn toàn, từ đó bên đầu gối trái luôn dễ đau nhức khi đi bộ nhiều, va chạm.
Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Anh T.V.M (30 tuổi; giáo viên ở quận Bình Thạnh, TP HCM) bị chấn thương "nhẹ nhàng" hơn. Trong lúc dắt xe, vợ M. suýt ngã và anh đã "cứu" bằng cách quay mình chụp vội vào tay lái dẫn đến trái tay, bong gân.
M. vào BV Nhân dân Gia Định (TP HCM) khám, BS cho một số thuốc và yêu cầu đeo băng thun cố định trong 3 tuần. Thấy đeo băng thun chẳng thoải mái gì nên chỉ 2 ngày sau, khi tay bớt sưng đau, anh bỏ ra. Tối hôm đó, anh lại bị chấn thương cổ tay lần nữa khi sắp xếp đồ đạc trong nhà. Lần này, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy phần khớp có hiện tượng trật. BS điều trị trách M. không chịu cố định tay, lại làm nặng và dọa rằng nếu vẫn không chịu cố định, lỡ trái tay mạnh một lần nữa là anh… sẽ lên bàn mổ.
Theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, khi trái tay, lật sơ mi…, thấy vùng cổ tay, cổ chân sưng lên và đau khi cử động, dân gian thường gọi là bong gân nhưng thực ra là giãn dây chằng. Có thể nghĩ đơn giản dây chằng là một tổ chức gắn liền 2 đầu xương với nhau. Khi hệ thống dây chằng bị tổn thương, chúng ta sẽ cảm thấy đau, khớp lỏng lẻo… và cần được điều trị để chúng lành lại.
Bắt buộc phải cố định
TS-BS Nguyễn Tiến Lý cho biết bệnh nhân bị chấn thương dây chằng đa phần được điều trị bảo tồn biện pháp nội khoa và biện pháp cố định. Thế nhưng, nhiều người chỉ chú trọng uống thuốc cho bớt sưng, đau mà không chịu cố định hoặc bỏ nẹp quá sớm. Cố định có thể bằng bột, bằng nẹp tháo ra được, bằng băng thun… tùy vị trí, mức độ chấn thương. Thời gian cố định cũng tùy thuộc vào dạng chấn thương. Ví dụ, chỉ bong gân cổ tay nhẹ thì cần 2 tuần cố định nhưng té lật bàn chân thì có thể cần đến 3 tuần, ở đầu gối thì có khi lâu hơn nữa. Một số tình huống tổn thương quá nặng có thể cần đến phẫu thuật.
"Nếu không cố định, tổn thương có thể không hồi phục dẫn đến tình trạng đau mạn tính. Khi đã để lại di chứng rồi thì việc điều trị phức tạp hơn rất nhiều và có thể không làm gì được nữa" - TS Tiến Lý cảnh báo.
Trái lại, nếu người bệnh chỉ bị tổn thương không quá nghiêm trọng, ví dụ bong gân cổ tay, cổ chân, ngón tay, ngón chân… và tuân theo sự điều trị của BS thì sẽ hết đau trong vòng vài ngày. Sau đó, nên tiếp tục cố định vị trí tổn thương theo khuyến cáo của BS, bệnh nhân sẽ thấy mình thoải mái khi vận động hơn rất nhiều và không bị đau mỗi khi phải làm gì liên quan đến vùng bị thương.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý các tư thế trong thời gian dưỡng thương. Đa phần các tổn thương dây chằng nhẹ có thể tự hồi phục hoàn toàn. Trong trường hợp tổn thương nặng, không hồi phục hẳn, BS sẽ có các khuyến cáo, cho bài tập phù hợp để người bệnh "dưỡng" vùng bị thương về sau, tránh gây phiền toái đến sinh hoạt thường ngày.
BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM), phân tích: Không cố định vùng tổn thương đúng và đủ thời gian còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả khác. Trường hợp bệnh nhân ban đầu chỉ giãn dây chằng, sau đó vận động mạnh và trật khớp luôn là ví dụ. Có nhiều trường hợp tổn thương lâu rồi cũng lành nhưng lại lành ở một tư thế xấu, ảnh hưởng khả năng vận động, gây đau về sau.
Nên đi khám
Theo BS Vương Hữu Định, giãn dây chằng là tình huống bệnh nhân nên tìm đến BS chuyên khoa, bởi nếu cố gắng tự chữa, nguy cơ "chuyện nhỏ" diễn tiến thành những rắc rối khó chữa hơn là rất cao. Cho dù bệnh nhân ý thức rằng mình phải cố định vùng tay, chân bị chấn thương nhưng có chắc chắn là họ cố định đúng? Có chắc đúng là mình bị bong gân hay còn thêm tổn thương nào khác? Tùy vào mức độ, BS sẽ thăm khám hoặc dùng đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
Bình luận (0)