Zika có thể gây hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi
Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát vào cuối năm, Bộ Y tế phối hợp cùng Báo Người Lao Động tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Zika và các dịch bệnh nguy hiểm” từ 9 giờ ngày 24-11 nhằm cung cấp cho người dân những kiến thức về cách phòng tránh Zika và các dịch bệnh mùa đông xuân.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu (áo xanh) đi kiểm tra công tác phòng chống Zika và sốt xuất huyết tại Q12. Ảnh: Nguyễn Thạnh
Tham dự buổi giao lưu có BS Nguyễn Đức Khoa- Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế); BS Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; BS Chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh; BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh.
Mời bạn đọc quan tâm theo dõi buổi giao lưu và đặt câu hỏi ở bên dưới.
Phan tăng thuận
09:22 ngày 24/11/2016
Xin được hỏi, tôi ở Buôn Mê Thuột, hai ngày hôm nay tôi bi sốt nhẹ, đau bụng, nhức mỏi tay chân, đi khám và siêu âm, bác sĩ nói tôi bị rối loạn tiêu hoá. Cho hỏi rối loạn tiêu hoá và bị rivus zika khác nhau ở những điểm nào. Xin cảm ơn.
Chào chị:
Nhiễm Virus Zika có biểu hiện: phát ban da, sốt thường sốt nhẹ 37,5-38 độ, viêm kết mạc mắt, đau nhức khớp, đau nhức cơ, ít khi có rối loạn tiêu hóa. Chị chỉ bị rối loạn tiêu hóa, sốt nhẹ, không có phát ban da, không có viêm kết mạc mắt, không sống trong vùng dịch Zika, đã đi khám bác sĩ thì không nên lo nữa.
Chinh
09:28 ngày 24/11/2016
Thời tiết mùa đông xuân khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và rất dễ đổ bệnh. Vậy những căn bệnh nào thường gặp nhất vào mùa đông xuân? Và nguyên nhân gây bệnh là gì?
Trong giai đoạn giao mùa đông-xuân, thời tiết thay đổi rất nhiều và biên độ dao động lớn giữa các ngày trong tuần, giữa ngày và đêm, trong đó rõ nét nhất là sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm. Với đặc điểm thời tiết như vậy có thể gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Khí hậu lạnh và ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh dễ phát sinh, phát triển, trong đó phải kể đến các dịch bệnh đường hô hấp như bệnh cúm, hội chứng cảm lạnh, các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus, sốt phát ban lây qua đường hô hấp như sởi, rubella, adeno virus, thủy đậu, quai bị v.v.. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh đường tiêu hóa cũng rất dễ xuất hiện, đặc biệt là tiêu chảy cấp do Rota virus ở trẻ nhỏ rất hay xảy ra vào mùa đông xuân.
Nguyễn Quảng
09:29 ngày 24/11/2016
Việc giám sát bệnh do virus Zika và các dịch bệnh khác như cúm được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh như thế nào?
Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn giám sát để phòng chống cho các bệnh các bệnh truyền nhiễm. Căn cứ vào các tài liệu hướng dẫn này, các cơ sở y tế sẽ thực hiện việc giám sát, thông tin, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm ca bệnh.
Trần Nam Dũng
09:29 ngày 24/11/2016
Nhà tôi nằm trong khu vực có khá nhiều ao, hồ, nên nhiều muỗi. Tôi rất lo lắng về sốt xuất huyết, và càng lo hơn về căn bệnh mới - Zika. Tôi có 2 con, 10 tuổi và 12 tuổi, đều từng mắc sốt xuất huyết, vậy nguy cơ hai căn bệnh này còn không hay có giảm bớt chút nào không?
Khu vực anh ở có nhiều muỗi, như vậy có nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường muỗi chích như sốt xuất huyết, Zika... chẳng hạn. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, bạn có thể mắc bệnh lại vì không có kháng thể bảo vệ. Trong các đợt dịch Zika ở các đảo thuộc Ấn Độ Dương, tỉ lệ nhiễm trong dân số khoảng 73% có kháng thể đối với virus Zika, đối tượng này không mắc bệnh lại. Do đó, khi nhiễm Zika, có khả năng không mắc bệnh lại trong khoảng thời gian nhất định.
Tuấn Anh
09:30 ngày 24/11/2016
Thưa ông Khoa, Những người bị Zika rồi thì nguy cơ tái phát ra sao?
Chào bạn, các bệnh truyền nhiễm khi xâm nhập cơ thể đều gây các phản ứng miễn dịch, tuy nhiên tuỳ từng tác nhân gây bệnh mà miễn dịch này có thể bền vững hoặc không. Hiện nay các nghiên cứu về khả năng miễn dịch với virus Zika vẫn còn rất hạn chế, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.
Hoàng Huyền
09:32 ngày 24/11/2016
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở những trường hợp nào? Triệu chứng bệnh như thế nào để phân biệt với việc bé chỉ bị nhiệt miệng? Bệnh lây qua đường nào ạ?
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, do virus đường gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hoá, ăn uống các thực phẩm bị nhiễm virus. Tuy nhiên, đường lây qua các đồ vật như đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, bề mặt bị ô nhiễm cũng rất quan trọng, đặc biệt là qua bàn tay bị ô nhiễm của trẻ hoặc người chăm sóc trẻ. Thông thường bệnh có các biểu hiện như sốt, nổi các ban dạng phỏng nước ở các vị trí lòng bàn tay, gan bàn chân, mông, đầu gối, tổn thương các vết loét trong miệng. Một số ít các trường hợp có biến chứng thần kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hoàng Mai
09:34 ngày 24/11/2016
Tôi nghe nói đã có vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết. Vậy khi nào vắc-xin này sẽ được triển khai tiêm cho người dân?
Hiện nay vắc xin bệnh sốt xuất huyết đã được nghiên cứu thành công và đã được áp dụng tại một số quốc gia. Hy vọng trong thời gian tới đây người dân Việt Nam có thể tiếp cận và được sử dụng để phòng bệnh.
Hà Vân
09:36 ngày 24/11/2016
Chào bác sĩ! Theo em biết Zika tồn tại khá lâu trong cơ thể và có khả năng tái phát nếu như mắc bệnh. Vợ chồng em dự tính sẽ có em bé trong 2-3 năm tới. vậy có cách nào để phòng bệnh từ giờ không ạ? hoặc nếu đã bệnh thì 2-3 năm sau, khi mang thai có ảnh hưởng tới thai nhi không bác sĩ?
Chào bạn. Bạn không nên quá lo lắng vì hiện nay vợ chồng bạn chưa mắc bệnh do virus Zika. Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), những phụ nữ nhiễm virus Zika nên chờ sau 8 tuần kể từ khi nhiễm virus hoăc khởi phát bệnh mới nên có thai. Và một số báo cáo gần đây chỉ ra rằng virus này có thể tồn tại trong các dịch cơ thể khá lâu sau khi mắc bệnh. Cụ thể, virus Zika tồn tại trong tinh dịch 188 ngày; nước bọt, nước tiểu lên đến 91 ngày. Vậy nếu chồng bạn bị nhiễm virus Zika thì các bạn có thể căn cứ vào thời gian này để lên kế hoạch có thai.
Lan Hương
09:37 ngày 24/11/2016
Tôi thường thấy mùa lạnh rất dễ bị cảm cúm hoặc nhiễm virus cúm. Tại sao ta dễ bị cúm trong mùa lạnh? Làm thế nào để hạn chế mắc bệnh.
Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus, xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các virus đường hô hấp phát triển. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Hơn nữa, chúng ta thường có xu hướng ở trong phòng và tập trung trong mùa lạnh cũng tạo điều kiện cho virus phát triển, lây lan. Trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, mọi người rất cần chú ý giữ gìn sức khỏe để phòng tránh dịch bệnh. Trong đó, cần đặc biệt chú ý giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý. Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, trong đó có ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Đối với trẻ em, cần đảm bảo cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ở những nơi có điều kiện, mọi người cũng có thể chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc-xin không nằm trong tiêm chủng mở rộng phòng một số bệnh thường gặp như cúm, sởi, thủy đậu, quai bị, viêm màng não, viêm phổi... Khi bản thân và người thân nghi ngờ bị mắc bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị cũng như chủ động phòng tránh lây bệnh cho người khác.
Trần Văn Nam
09:39 ngày 24/11/2016
Ở TP HCM hiện nay mưa đã bớt và cũng sắp hết mùa mưa, như vậy muỗi mang bệnh có giảm không? Chúng tôi có thể yên tâm hơn về 2 căn bệnh Zika – Sốt xuất huyết trong mùa khô không?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP HCM và nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Bệnh xuất hiện quanh năm và tăng cao trong những tháng mùa mưa do có nhiều điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do virus Zika.
Với đặc điểm sinh trưởng của muỗi có giai đoạn phát triển trong nước sạch và trong những vật chứa trong nhà, gắn liền với sinh hoạt thường ngày của mọi gia đình như lu hồ trữ nước, bình bông, chén nước cúng... thì nguy cơ phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hay bệnh do virus Zika vẫn luôn hiện hữu dù là trong mùa mưa hay mùa khô. Do đó, mọi người, mọi nhà cần luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình; cụ thể là luôn tự phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay nơi mình sống và làm việc.
Hà Xuân
09:42 ngày 24/11/2016
Con tôi lúc 2 tháng tuổi bị ốm, phải nhập viện, sau khi khỏi bệnh cháu đã tiêm 2 mũi vắc-xin “5 trong 1”. Tuy nhiên hiện cháu đã 9 tháng tuổi và có chậm một số mũi vắc-xin theo lịch. Việc chậm trễ này liệu có ảnh hưởng đến lịch tiêm chủng của con hay không, thưa bác sĩ?
Đối với vắc-xin tổng hợp phòng các bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại Liệt, Hib, Viêm Gan B thì cần tiêm đủ 3 mũi cho trẻ trước 1 tuổi. Như vậy, con bạn cần đươc tiêm thêm 1 mũi phòng các bệnh trên càng sớm càng tốt. Ngoài ra, với độ tuổi của cháu hiện nay (9 tháng tuổi), nếu có điều kiện thì bạn có thể đưa cháu đi tiêm phòng các bệnh như cúm, viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn, viêm màng não mủ típ B+C, sởi để giúp cháu có thể phòng được sớm các bệnh này.
Huỳnh
09:43 ngày 24/11/2016
Mùa dịch sốt xuất huyết năm nay xuất hiện đồng thời với nhiều loại bệnh khác cũng có sốt, vậy phân biệt thế nào là sốt xuất huyết? Thế nào là các loại bệnh cùng có biểu hiện sốt khác?
Bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh nhiễm virus cấp tính, vì vậy trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng đôi khi rất giống với các bệnh nhiễm virus khác như biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người, đau khớp. Tuy nhiên, triệu chứng xuất huyết là một triệu chứng rất quan trọng để phân biệt với các bệnh có sốt khác. Đặc điểm của xuất huyết có thể là xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá, thậm chí xuất huyết não. Bên cạnh đó thì xét nghiệm máu của bệnh nhân là biện pháp đặc hiệu nhất để chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết.
Hà Hải
09:44 ngày 24/11/2016
Em đang có thai tháng thứ 4. Gần đây nghe thông tin nhiều về thai phụ nhiễm Zika nên em rất lo lắng. Có khi nào người bệnh nhiễm Zika mà không có triệu chứng không, thưa bác sĩ?
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi truyền, ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Khoảng 60% đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Người bệnh có biểu hiện như phát ban trên da, sốt, viêm kết mạc, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định virus Zika gây nên biến chứng thần kinh là hội chứng đầu nhỏ và Hội chứng Guillain Barré. Đến nay, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.
Mạnh Quân
09:45 ngày 24/11/2016
Theo dõi câu trả lời, bác sĩ nói rằng sau 12 tuần không có khả năng bị đầu nhỏ từ Zika. Nhưng những báo cáo từ nước ngoài đều cho thấy không phải không có khả năng mà chỉ là giảm thiểu khả năng ảnh hưởng. Hôm nay đã có 1 báo cáo khác, là dù không bị ảnh hưởng trong khi mang bầu nhưng sau khi sinh bé vẫn có khả năng ảnh hưởng, phải chăng các bác sĩ đã đánh giá thấp khả năng gây bệnh của Zika. Mong bác sĩ có thể đưa ra nhận định để người dân có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Chào bạn,
Bệnh Zika đã có từ lâu nhưng chỉ từ năm 2015 mới bùng phát mạnh. Y học ngày càng hiểu biết thêm về bệnh do virus Zika, kiến thức càng được cập nhật. Khi có thai, nhiễm virus Zika 12 tuần đầu thì ảnh hưởng nặng nhất, bởi hệ thần kinh bé mới được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều. Tỉ lệ ảnh hưởng thai chỉ từ 1-10%, theo các báo cáo. Vì vậy, không nên quá lo lắng, không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều biến chứng thai, mà cần khám thai và siêu âm theo dõi sự phát triển thai tại các bệnh viện phụ sản.
Ngọc Anh
09:46 ngày 24/11/2016
Trường hợp thai phụ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu mà không hay biết, đến lúc phát hiện thai nhi dị tật đầu nhỏ thì đã trễ. Khi đó thai phụ phải làm gì để tránh sanh con dị tật ạ?
Tốt nhất các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ ít nhất vào các thời điểm 12, 22, 32 tuần ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và tư vấn sức khoẻ, lấy mẫu xét nghiệm để khẳng định nếu nghi ngờ nhiễm virus Zika. Hội chứng não bé của thai nhi có thể phát hiện ở quý 2 - sau 18 tuần bằng siêu âm thai.
Nguyễn Văn Giang
09:51 ngày 24/11/2016
Tôi nghe nói rằng có nhiều trường hợp gọi là “sốt siêu vi” nghĩa là thực chất bác sĩ khi khám chưa tìm ra loại siêu vi gây sốt là siêu vi gì? Vậy có khi nào “sốt siêu vi” có thể là sốt xuất huyết, Zika, sốt rét… - những căn bệnh hết sức nguy hiểm không? Như vậy, chúng tôi nên làm thế nào khi được chẩn đoán “sốt siêu vi” và được yêu cầu điều trị ngoại trú (chủ yếu bằng thuốc hạ sốt)? Tôi rất lo các biến chứng…
Khi bạn được chẩn đoán sốt siêu vi thì có nghĩa là bác sĩ đã nghi ngờ bạn bị nhiễm một loại virus nào đó. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khoẻ của bạn để chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú. Nếu bạn được chỉ định ngoại trú thì bạn cần phải tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc và đặc biệt bạn cần đến ngay cơ sở y tế khi bệnh không thuyên giảm và có diễn biến bất thường.
Trần Thị Yến Nhi
09:52 ngày 24/11/2016
Tôi nghe báo đài bảo người bình thường mắc Zika sẽ có triệu chứng tương tự sốt xuất huyết. Vậy hai bệnh này cái nào nguy hiểm hơn và phải phân biệt ra sao?
Chào bạn
Zika tương tự sốt xuất huyết (SXH) nhưng có khác. Zika phát ban đa dạng gồ trên mặt da, SXH ít khi phát ban mà chỉ có đốm, chấm, mảng xuất huyết. Zika có viêm kết mạc mắt còn SXH thì không. SXH sốt thường cao, Zika sốt nhẹ hoặc không sốt.
SXH có thể nặng và tử vong, Zika thường nhẹ, tự khỏi, không có tử vong.
Ánh
09:58 ngày 24/11/2016
Thưa chuyên gia, có khi nào thai phụ nhiễm virus Zika nhưng không có biểu hiện bệnh? Mức độ nguy hiểm của virus này với sức khỏe cộng đồng?
Như tôi đã trả lời độc giả trước, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi truyền, ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Khoảng 60% đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Người bệnh có biểu hiện như phát ban trên da, sốt, viêm kết mạc, đau khớp, phù quanh khớp, đau cơ. Các biểu hiện triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định virus Zika gây nên biến chứng thần kinh là hội chứng đầu nhỏ và Hội chứng Guillain Barré. Đến nay, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh.
Hoàng Quân
09:59 ngày 24/11/2016
Hiện nay các ca bệnh do Zika phát hiện rất rải rác nhưng virus này vẫn tồn tại trong cộng đồng, nếu số mắc tăng cao, rộng hơn thì người dân cần làm gì?
Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Để phòng chống bệnh do virus Zika, người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng):
- Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
- Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
- Loại bỏ bọ gậy (lăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn...
Bùi Hải
10:00 ngày 24/11/2016
Muỗi gây dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào thời điểm nào. Có nên sử dụng các loại hóa chất bán ngoài thị trường để tự phun trừ muỗi không. Những khu vực nào đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết hiện nay, thưa bác sĩ?
Muỗi vằn truyền bệnh SXH hoạt động cả ngày, mạnh nhất là vào thời điểm sáng sớm (từ 5 - 7 giờ) và chiều tối (17 - 19 giờ). Để phòng các bệnh do muỗi truyền, biện pháp căn cơ, hiệu quả và an toàn nhất là diệt lăng quăng. Tuy nhiên, để nhanh chóng cắt đứt đường lây truyền, việc diệt muỗi là cần thiết. Mỗi gia đình nên chủ động diệt muỗi ngay trong nhà mình bằng các biện pháp thông thường như vợt điện, bình xịt côn trùng gia dụng, rèm chắn muỗi, nhang trừ muỗi... Đối với bình xịt côn trùng gia dụng, nên mua các loại bình xịt có nhãn mác của nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng rõ ràng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả diệt muỗi và an toàn cho người sử dụng.
Tại TP HCM, bệnh SXH ghi nhận tại tất cả các quận huyện. Những nơi thường xuyên có dự trữ nước sinh hoạt, có tình trạng đọng nước trên 7 ngày... là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch SXH.
Hồng Hạnh
10:01 ngày 24/11/2016
Đường lây truyền Zika đến thời điểm này là những con đường nào?
Lây truyền Zika:
- Từ muỗi bị nhiễm virus Zika
- Mẹ bị nhiễm virus Zika khi mang thai lây cho thai nhi
- Lây qua quan hệ tình dục
- Lây qua đường truyền máu
Minh Nam
10:02 ngày 24/11/2016
Có ý kiến cho rằng bị Zika sẽ teo "cậu nhỏ", có đúng vậy không, thưa bác sĩ?
Chào bạn
Virus Zika làm teo tinh hoàn chuột thí nghiệm, không phải người. Cần biết chuột khác xa người. Hiện nay chưa có báo cáo về virus Zika gây teo tinh hoàn trong các đợt dịch trên thế giới.
Nguyễn Văn Tân
10:05 ngày 24/11/2016
Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika, vậy đến thời điểm này dịch đã có ở những địa phương nào và bao nhiêu người mắc. Gia đình tôi ở nông thôn xung quanh khá nhiều cây cối, ao vườn. Vậy làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả?
Chào bạn,
Như tôi đã trả lời bạn đọc đặt câu hỏi trước, để phòng chống bệnh do virus Zika, người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng):
- Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
- Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
- Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn...
Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Minh
10:06 ngày 24/11/2016
Nhà tôi sống gần chợ nên hoạt động giết mổ gia cầm diễn ra thường xuyên. Tôi rất sợ nhiễm bệnh cúm H5N1 vì tôi nghe nói chưa có thuốc và vắc-xin phòng bệnh. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Bệnh cúm A/H5N1 lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn, sử dụng các sản phẩm gia cầm ốm chết. Để phòng bệnh, chị nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu phải tiếp xúc, cần có phương tiện bảo hộ như: khẩu trang, găng tay... Không giết mổ gia cầm ốm chết, không ăn các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được nấu chín kỹ.
Minh Trang
10:07 ngày 24/11/2016
Thời điểm cuối năm được cảnh báo là nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất cao. Làm thế nào để hạn chế nguy cơ này. Thời tiết miền Bắc dịp cuối năm nguy cơ mắc phải là những bệnh nào, thưa bác sĩ?
Thời điểm cuối năm ở miền Bắc là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hoá phát triển như: cúm, sởi, tay chân miệng, tiêu chảy... Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, thường xuyên tập thể dục, vệ sinh cá nhân, nơi ở và giữ ấm cơ thể.
Nguyễn Vân Anh
10:08 ngày 24/11/2016
Ngoài Zika, có những căn bệnh nguy hiểm nào mà phụ nữ mang thai như chúng tôi cần đề phòng trong mùa này? Có những biện pháp nào phòng ngừa không (thuốc men, chích ngừa…). Khi có dấu hiệu bệnh, chúng tôi nên đến BV phụ sản hay BV chuyên về truyền nhiễm để khám thì thích hợp?
Đối với phụ nữ mang thai, việc phòng tránh các bệnh truyền nhiễm là vô cùng cần thiết trong suốt thai kỳ và đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Một số bệnh truyền nhiễm mà thai phụ cần quan tâm phòng tránh như Rubella, Thủy đậu, Cúm, SXH, Zika...
Trong đó, có những bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin như Rubella, Thủy đậu, Cúm và cần tiêm chủng trước khi có thai ít nhất là 1 tháng. Các bệnh như SXH, bệnh do virus Zika chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt và hạn chế đi lại đến vùng có dịch bệnh.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, thai phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đang quản lý thai để được tư vấn các thăm khám hoặc xét nghiệm cần thiết.
Thanh Huyền
10:10 ngày 24/11/2016
Nếu trẻ bị chứng đầu nhỏ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thể chất và trí tuệ?
Với một trẻ bị hội chứng đầu nhỏ do virus Zika, các ảnh hưởng có thể bao gồm đầu nhỏ hoặc vôi hóa nội sọ, có thể kèm theo các dị tật bẩm sinh khác như bất thường về thần kinh (giảm khối lượng nhu mô não, teo hoặc dị tật vỏ não, biểu hiện tăng hoặc giảm trương lực cơ, co cứng...), dị tật của mắt, khuyết tật thính giác, vẹo chân hoặc co cứng khớp, giảm vận động.
Do đó, trẻ mắc chứng đầu nhỏ cần được theo dõi sát trong những năm đầu. Thường xuyên chụp hình ảnh sọ não để đánh giá sự phát triển của não nhằm can thiệp kịp thời nếu não còn phát triển, đồng thời thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng sống cho trẻ.
Vy Lê
10:11 ngày 24/11/2016
Bé nhà tôi 2 tuổi, cháu đang bị chân tay miệng phải điều trị ở bệnh viện hiện cháu đã được xuất viện. Trong thời gian này liệu cháu có khả năng lây bệnh cho người khác hay không vì thi thoảng tôi có cho chị của cháu chơi cùng cháu?
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Nguy cơ lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, nhưng giai đoạn lây nhiễm có thể kéo dài vài tuần (do virus khu trú trong phân). Bạn nên tham khảo thêm các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh tay chân miệng tại trang web của Cục Y tế dự phòng (http://vncdc.gov.vn)
Nguyễn Tường Vân
10:11 ngày 24/11/2016
Tôi đang mang thai đến tháng thứ 2 nên rất lo lắng về Zika. Bác sĩ vui lòng cho biết, nếu không may mắc căn bệnh này, 100% con tôi sẽ bị đầu nhỏ, hay chỉ là “có nguy cơ”? Khi mắc bệnh, có những triệu chứng gì tôi có thể nhận biết để đi khám, và việc điều trị có ảnh hưởng đến thai không?
Bạn mang thai khoảng 8 tuần, không nói rõ có sống trong vùng dịch bệnh đang xảy ra hay không. Nếu chẳng may mắc bệnh, thì không phải 100% bị đầu nhỏ, chỉ 1-10% thai phụ nhiễm bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bạn có các dấu hiệu bệnh như phát ban da, sốt, đỏ mắt, đau nhức khớp, đau nhức cơ thì đi khám bệnh. BS sẽ hỗ trợ bạn xem có nghi ngờ mắc bệnh không, tư vấn bạn khám tiền sản và theo dõi thai tại các bệnh viện phụ sản.
Hoàng
10:11 ngày 24/11/2016
Bệnh này có lây không, thưa bác sĩ?
Bệnh có lây. Lây truyền Zika qua các đường:
- Từ muỗi bị nhiễm virus Zika
- Mẹ bị nhiễm virus Zika khi mang thai lây cho thai nhi
- Lây qua quan hệ tình dục
- Lây qua đường truyền máu
Nguyễn Văn Bình
10:18 ngày 24/11/2016
Khi bị sốt xuất huyết, người ta sợ nhất là cơn sốc, vậy nhiễm Zika có thể bị sốc không?
Bệnh do virus Zika thường nhẹ, tự khỏi, không có tử vong, đặc biệt không có sốc như sốc sốt xuất huyết.
Hoàng Quốc
10:20 ngày 24/11/2016
Con trai tôi 16 tuổi, cách đây 2 tuần cháu bị quai bị, đi khám, được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì nghe nói bệnh quai bị có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, nhất là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Vậy tôi có nên cho cháu đi khám để đánh giá nguy cơ này hay không
Bệnh quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn nhưng hiếm, phải sưng tinh hoàn lúc bị bệnh, và tỉ lệ viêm tinh hoàn gây vô sinh rất ít. Con bạn không bị viêm tinh hoàn lúc bệnh (sưng to, đau tức), bạn không cần phải lo.
Trần Quyết
10:21 ngày 24/11/2016
Cách đây 5 năm tôi đã từng bị sốt xuất huyết, nếu mùa dịch mà bị sốt xuất huyết một lần rồi thì có nguy cơ bị lại nữa không
Có 4 type virus Dengue gây bệnh SXH. Các type virus này thường không có miễn dịch chéo với nhau. Mỗi chu kỳ dịch (3 -5 năm) sẽ có 1 type virus chiếm ưu thế.
Nếu 5 năm trước bạn đã bị bệnh SXH thì sau đó nếu bạn bị nhiễm một type virus khác thì vẫn có khả năng bị bệnh SXH.
Nam Hoàng
10:30 ngày 24/11/2016
Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ cho cả thai phụ và thai nhi. Vậy những nơi nào có thể xét nghiệm phát hiện virus Zika? Khi mang thai có nhất thiết phải đi xét nghiệm Zika?
Chào bạn, như tôi đã trả lời ở trên, bạn cần đăng ký theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Trong trường hợp có nghi ngờ nhiễm virus Zika, bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định, bạn không cần phải tự tìm đến các cơ xét nghiệm. Không phải tất cả phụ nứ có thai đều có chỉ định xét nghiệm virus Zika mà chỉ những trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén hoặc siêu âm có nghi ngờ hội chứng đầu nhỏ thai nhi.
Nguyễn Thị Ngọc Anh
10:32 ngày 24/11/2016
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nếu mắc Zika có nguy hiểm hơn người lớn không, những biến chứng nguy hiểm nhất là gì và đề phòng thế nào?
Trẻ em và người lớn khi nhiễm virus Zika thì giống nhau: bệnh nhẹ, không có bệnh nặng và tử vong. Bệnh có thể tự khỏi không cần nằm viện. Hiện nay, bệnh không có biến chứng trên trẻ em và người lớn không mang thai.
Trần Bảo Anh
10:38 ngày 24/11/2016
Dư luận xã hội đang sục sôi vì Zika, nhưng tôi nghe nói rằng, Tổ chức Y tế thế giới công bố rằng Zika không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vậy tôi xin hỏi các chuyên gia, trên thực tế chúng tôi nên nhìn nhận căn bệnh này như thế nào? Nó có phải là một dịch lớn ở Việt Nam và là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như mọi người đang hoang mang?
Tổ chức Y tế thế giới căn cứ vào sự bất thường, mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan quốc tế và khả năng ảnh hưởng đến thương mại, du lịch quốc tế để quyết định mức độ khẩn cấp của dịch bệnh.
Hiện nay nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Tuy nhiên, nhiễm virus Zika vẫn là một thách thức lớn đòi hỏi phải có chiến lược phòng chống bền vững và lâu dài.
Trên thực tế, hơn 80% người nhiễm virus Zika không có biểu hiện bệnh. Còn lại biểu hiện bệnh nhẹ. Bệnh thường tự hết sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng gì, trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con tật đầu nhỏ với tỷ lệ 1-10%.
Hoàng Nhi
10:40 ngày 24/11/2016
Tại các cơ sở khám chữa bệnh Bộ Y tế có chỉ đạo phun thuốc diệt muỗi trong các phòng bệnh để phòng các bệnh lây truyền do muỗi đốt không thưa ông?
Để phòng lây nhiễm các bệnh do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành, các cơ sở y tế đều được yêu cầu phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng thường xuyên, đồng thời người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng phải ngủ màn trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Ngành y tế rất mong muốn người hợp tác và tuân thủ các quy định của ngành y tế để phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng.
Trần Minh Đông
10:41 ngày 24/11/2016
Vợ tôi đang mang thai, nên nghe thông tin về Zika, sốt xuất huyết tôi rất lo. Nhiễm Zika gây nguy cơ cho thai phụ tôi đã nghe nhiều, nhưng cũng nghe được rằng nhiễm sốt xuất huyết có khi còn nguy hiểm hơn với bà bầu. Vậy nếu mắc sốt xuất huyết khi mang bầu thì nguy hiểm như thế nào?
Bệnh SXH trên phụ nữ có thai cũng có thể có biến chứng nặng như các đối tượng khác:
- Xuất huyết
- Sốc
- Suy đa tạng
SXH không ảnh hưởng lên lên thai nhi. Nguy cơ xuất huyết trong lúc chuyển dạ khi mẹ đang mắc bệnh SXH, nhưng có thể điều trị được tình trạng rối loạn đông máu đó.
Mai Phương
10:42 ngày 24/11/2016
Người bị bệnh Zika thì sau bao lâu có thể quan hệ tình dục trở lại, thưa bác sĩ?
Virus Zika có thể tìm thấy trong tinh dịch của bệnh nhân nam trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh. Để phòng lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục, những bệnh nhân này cần lưu ý:
- Không quan hệ tình dục hoặc tình dục an toàn (mang bao cao su) khi quan hệ tình dục với vợ hoặc bạn tình đang có thai trong suốt thai kỳ.
- Không quan hệ tình dục hoặc tình dục an toàn (mang bao cao su) trong tất cả các lần quan hệ tình dục và cho bất kỳ đường nào (âm đạo, miệng, hậu môn) trong vòng 6 tháng từ ngày mắc bệnh.
Bệnh nhân nữ nên tránh mang thai trong 2 tháng sau khi bị bệnh.
Nguyễn Nam
10:43 ngày 24/11/2016
Hiện các ca bệnh do Zika phát hiện rất rải rác, nếu số mắc rộng hơn sẽ đối phó như thế nào ạ?
Bộ Y tế đã có các phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hạn chế tối đa các trường hợp mắc mới, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Cùng đó, người dân cần tích cực tham gia chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để giảm tối đa trung gian truyền bệnh.
Phạm Văn Bảo
10:44 ngày 24/11/2016
Thời tiết TP HCM thường trong khoảng 1 vài tuần tới đây bắt đầu trở lạnh. Vậy có những bệnh nhiễm siêu vi nào chúng tôi cần đề phòng không, ngoài Zika đang “nóng” thời gian gần đây?
Khi thời tiết chuyển lạnh thì các bệnh đường hô hấp dễ bộc phát. Bạn cần giữ ấm, làm việc và nghỉ ngơi đúng mức, ăn uống dinh dưỡng cân bằng.
Hoàng Triều
11:27 ngày 24/11/2016
Nguy cơ virus Zika lây lan tại TP Hồ Chí Minh như thế nào, thưa bà Nga. Hiện con số chính xác về số ca mắc Zika tại TP HCM là bao nhiêu?
Tính đến ngày 24/11/2016, toàn thành phố HCM đã có 69 trường hợp bệnh do vi rút Zika được xác định tại 17 quận huyện. Nguy cơ lây lan bệnh do vi rút Zika tại thành phố là rất lớn. Vì vậy mọi người mọi nhà cần chủ động phòng bệnh cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng. Đặc biệt là thai phụ và các các vợ chồng dự định có con, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt và chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nơi sống và làm việc.
Dương Trang
11:27 ngày 24/11/2016
Các cơ sở khám, chữa bệnh có chuẩn bị khu vực điều trị riêng để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika và các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm khác (cúm) hay không? Các khu vực này có đảm bảo việc những bệnh nhân khác không bị mắc bệnh từ người bệnh này không?
Bệnh do vi rút Zika là bệnh nhẹ, không có bệnh nặng và tử vong. Bệnh có thể tự khỏi hoặc điều trị ngoại trú không cần nhập viện. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã bố trí khu vực riêng cho bệnh nhân nhiễm vi rút Zika, khi mắc bệnh cần tránh để muỗi đốt ( diệt muỗi, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay...) tránh lây nhiễm cho muỗi có thể lây cho bệnh nhân khác.
Hồng Lam
11:27 ngày 24/11/2016
Thưa bác sĩ, khi mùa đông đến cần phải tăng cường dinh dưỡng như thế nào để phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp ạ?
Thời tiết lạnh của mùa đông là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển. Để phòng tránh các bệnh này, mọi người cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ chất, đảm bảo nhóm rau quả tươi theo mùa để cung cấp vitamin cần thiết; đồng thời giữ ấm cơ thể, thường xuyên rửa sạch bàn tay, dùng khăn giấy che miệng và mũi khi hom khi hắt hơi. Người có triệu chứng bệnh đường hô hấp không nên đến nơi đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây bệnh cho người khác.
Huyền My
11:28 ngày 24/11/2016
Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh virus Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ… Vậy làm thế nào để phân biệt hai bệnh này?
Zika tương tự sốt xuất huyết (SXH) nhưng có khác:
- Zika phát ban đa dạng gồ trên mặt da, SXH ít khi phát ban mà chỉ có đốm, chấm, mảng xuất huyết. -- Zika có viêm kết mạc mắt còn SXH thì không.
- SXH sốt thường cao, Zika sốt nhẹ hoặc không sốt.
- SXH có xuất huyết và sốc còn Zika thì không
- SXH có thể nặng và tử vong, Zika thường nhẹ, tự khỏi, không có tử vong.
Võ Quyết
11:28 ngày 24/11/2016
Tôi có chăm sóc người thân trong BV, gần phòng bệnh của tôi lại có bệnh nhân SXH. Vậy liệu tôi có nguy cơ lây bệnh không vì buổi tối tôi thường nằm hành lang bệnh viện
Muỗi hút máu bệnh nhân SXH, phải có thời gian ủ bệnh để vi rút sinh sôi trong muỗi.
Việc tại cơ sở y tế có nhiều muỗi mà muỗi hút máu bệnh nhân SXH, phải đủ thời gian ủ bệnh rồi mới chích cho bạn là vô cùng hiếm hầu như không xảy ra trong thực tế.
Quốc Danh
11:28 ngày 24/11/2016
Virus Zika phòng tránh thế nào? Xin hỏi nếu đã bị muỗi đốt rồi thì ngăn ngừa kiểu gì là phù hợp? Ăn uống hay dùng thuốc gì khi đã bị muỗi đốt để tăng sức đề kháng? Cảm ơn bác sĩ.
Phòng chống Zika
- Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy
- Ngăn ngừa muỗi đốt
- An toàn tình dục (dùng bao cao su) cho người đã nhiễm hay nghi ngờ nhiễm
- An toàn truyền máu
Ăn uống đủ chất cân bằng
Không có thuốc làm tăng sức đề kháng chống lại nhiễm vi rút Zika
Nguyễn Minh Tâm
11:28 ngày 24/11/2016
Dịch zika hiện nay ở TP HCM rất nguy hiểm. Thực sự mà nói là không biết cách nào mà phòng chống cho được. Xin hỏi hiện nay đã có thuốc điều trị chưa và thành phố có biện pháp nào ngăn dịch hiệu quả không?
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Chưa có vắcxin phòng bệnh
Biện pháp chủ yếu là phòng ngừa mắc bệnh
Bích Tiên
11:28 ngày 24/11/2016
Thưa các bác sĩ, con và chồng con hiện đang dự định có em bé. Nhưng trước tình hình dịch Zika đang bùng lên như vậy, vợ chồng con cũng khá ngần ngại, chưa dám thả. Con và chồng có nên đi xét nghiệm tầm soát Zika trước khi thả hay không ạ? Nếu thời gian đầu mới mang thai, liệu có phát hiện được em bé có bị nhiễm Virus Zika sớm không ạ? Nếu phát hiện thì phải làm sao ạ?
Nếu không có triệu chứng nghi ngờ bệnh thì không nên xét nghiệm tầm soát Zika, tại các nước khác cũng vậy.
Thời gian mang thai, nên khám thai định kỳ theo hướng dẫn quốc gia cho phụ nữ mang thai tại các bệnh viện phụ sản. Các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm và siêu âm định kỳ phát hiện dị tật thai kể cả chứng đầu nhỏ
Mai Trang
11:28 ngày 24/11/2016
Kính thưa các bác sĩ, theo cháu được biết, cách chủ yếu phòng chống muỗi là chính. Vậy xin các bác sĩ cho biết loại thuốc bôi tránh muỗi nào an toàn cho bà bầu không ạ. Vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kem bôi chống muỗi, làm cho người tiêu dùng phân vân ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn.
Đúng như bạn nhận định, đế phòng bệnh SXH cũng như bệnh do vi rút Zika, chủ động phòng tránh muỗi đốt là hết sức cần thiết, cụ thể và trong tầm tay của mọi người. Trong đó việc sử dụng kem xoa ngoài da tránh muỗi được khuyến khích sử dụng cho mọi đối tượng, không phân biệt phụ nữ có thai, nam giới hay trẻ em. Để an toàn cho người sử dụng, bạn nên lựa chọn những loại sản phẩm có nhãn mác cung cấp đầy đủ thông tin của nhà sản xuất, thành phần và hướng dẫn sử dụng. Khi sử dụng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
VÕ KHẮC QUỐC
11:28 ngày 24/11/2016
Đã sinh con ra rồi và con bị đầu to thì không sợ lây nhiễm Zika nữa phải không, thưa BS Nga?
Bệnh do vi rút Zika lây qua 3 đường: do muỗi đốt, từ mẹ sang con và qua đường tình dục. Tật đầu nhỏ là một trong những biến chứng do vi rút Zika lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.
Như vậy trẻ sinh ra không bị đầu nhỏ không có nghĩa là không sợ lây nhiễm vi rút Zika vì trẻ còn có thể bị nhiễm vi rút Zika qua muỗi truyền và sau này lớn lên vẫn có khả năng nhiễm vi rút Zika qua tình dục nếu không có những biện pháp phòng bệnh đúng cách.
Đình Dũng
11:28 ngày 24/11/2016
Xin bác sĩ cho biết đàn ông có nhiễm virus Zika không và nếu bị nhiễm họ có bị ảnh hưởng gì về vấn đề sinh sản ?
Hiện nay chưa có báo cáo về virus Zika gây teo tinh hoàn cho nam giới khi bị nhiễm bệnh trong các đợt dịch trên thế giới
Thúy Vy
11:28 ngày 24/11/2016
Xin bác sĩ cho biết bệnh zika ở người lớn liệu có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau không vậy?
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói đến việc vi rút Zika ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trên người. Hiện còn nhiều điều chưa biết về vi rút Zika. Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau để trả lời các câu hỏi chưa biết.
Mai Nguyễn
11:28 ngày 24/11/2016
Bác sĩ cho hỏi, tôi đang nằm trong khu vực có dịch Zika. Cách 1 tuần, tôi có bị viêm giác mạc, sau khi uống thuốc thì khỏi, nhưng sau tầm 8 ngày lại xuất hiện triệu chứng rát họng, sổ mũi, người sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, hơi đau lưng. Liệu đây có phải biểu hiện của bệnh Zika hay chỉ là bệnh cúm thông thường ạ. Mong bác sĩ tư vấn giùm. Tôi xin cảm ơn.
Viêm kết mạc trong Zika phải cùng lúc sốt nhẹ, mệt mõi, đau lưng.... chứ không phải đợi 8 ngày sau. Bạn không nên quá lo lắng nếu bạn không có thai.
Bình luận (0)