Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - TP HCM giữ được tính mạng cũng như bàn tay cho ông T.T.N (56 tuổi, ở Bình Định) bị sốc nhiễm trùng, biến chứng suy tim, suy thận cấp tính… Ông N. mắc đái tháo đường 15 năm qua, bị côn trùng chích vào tay dẫn đến biến cố trên.
Phải đoạn chi vì lơ là
Sau bị côn trùng chích, nghĩ chuyện nhỏ nên ông N. chỉ thoa dầu, mua thuốc về uống. Tuy nhiên, qua 1 tuần, vết thương không lành mà ngày càng sưng tấy, đau nhức, phồng rộp, hoại tử da. Ông N. được đưa đi cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, khó thở, huyết áp tụt còn 80/50 mgHg, sốt 38,5 độ C; vùng mu bàn tay và cẳng tay trái sưng đỏ như bắp chuối, lở loét, chảy dịch mủ, lốm đốm đen do da hoại tử. Kết quả xét nghiệm đường huyết ông N. vượt quá ngưỡng.
Bệnh nhân đái tháo đường được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - TP HCM cứu chữa, không phải cưa tay
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Hồng Hải, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết ngay khi vừa vào viện, bệnh nhân được chỉ định truyền bồi hoàn nước điện giải, insulin và hồi sức cấp cứu kiểm soát nhiễm trùng, thuốc vận mạch. Sau 13 ngày được chăm sóc tích cực, vết thương ông N. lành lại, không phải cắt bỏ tay.
"Bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, thoát khỏi nhiễm trùng nặng. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn hồi phục suy thận, suy tim cấp nên ngoài việc kiểm soát đường huyết thật tốt còn phải điều chỉnh liều thuốc kháng sinh và chăm sóc vết thương thường xuyên để tối ưu hiệu quả điều trị" - bác sĩ Hải nói.
Tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, nhiều người mắc đái tháo đường nhiễm trùng nặng nhập viện để đoạn chi, cắt ngón,… hiện khá thường xuyên. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Ngọc Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh - TP HCM, cho biết bệnh viện cũng vừa thực hiện nong mạch máu để cứu chân cho 2 ca bị biến chứng nặng sau đái tháo đường nhiều năm. Đáng nói là người đàn ông 46 tuổi, ở Sóc Trăng bị đái tháo đường 13 năm, uống thuốc liên tục nhưng không tái khám, hút thuốc lá và đã 3 lần bị cắt cụt chân. Còn người phụ nữ 62 tuổi, quê Nghệ An bị đái tháo đường 23 năm, điều trị insulin, bị viêm nhiễm trùng 1 ngón chân, điều trị tại bệnh viện tỉnh không đáp ứng nên phải bị cắt cụt.
Kỹ thuật mới cứu tàn phế
Giới chuyên gia cho biết hầu hết người bệnh đái tháo đường, nhất là người không kiểm soát tốt đường huyết bị suy giảm hệ miễn dịch nên cơ thể suy yếu trước sự tấn công của virus, vi khuẩn. Đường huyết không ổn định thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hạn chế máu đến nuôi các chi (tay, chân). Đây là 2 nguyên nhân khiến người mắc đái tháo đường hay bị loét chân. Ngoài ra, họ cũng dễ bị bệnh thần kinh ngoại biên nên không cảm giác bị tổn thương nếu chẳng may bị tác động ngoại lực bên dù là nhỏ như vật nhọn đâm, côn trùng chích, giẫm gai… dẫn đến không chăm sóc vết thương đúng mức và bị nhiễm trùng khó lành.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Đoàn Đạo, Phó Chủ tịch Liên chi hội điều trị vết thương TP HCM, nhiều trường hợp người mắc đái tháo đường chỉ bị một vết xước nhỏ, sau đó phát triển thành một vết loét nặng, gây hoại tử, dẫn đến những biến chứng như biến dạng bàn chân, loét bàn chân, chai chân, nhiều trường hợp nghiêm trọng phải cắt cụt chân. Vì vậy, việc chăm sóc y tế kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro đoạn chi, đỡ nhiễm trùng, giảm thời gian điều trị, hạn chế đau đớn và đỡ tốn kém.
Tại TP HCM hiện có nhiều phác đồ cứu chữa những trường hợp bị nhiễm trùng nặng, lở loét chân do biến chứng đái tháo đường. Mới đây, Hệ thống Y khoa quốc tế chuyên sâu Bernard (Bernard Healthcare) đưa vào hoạt động đơn vị chuyên sâu điều trị loét, lành vết thương dành cho người bị biến chứng bệnh đái tháo đường. Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Bernard Healthcare, cho biết trung tâm được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: MRI, CT Scan, nội soi, siêu âm có tích hợp trí tuệ nhân tạo… để tầm soát và điều trị chuyên sâu vết thương mạn tính, vết loét lâu lành, suy giãn tĩnh mạch, kiểm soát biến chứng đái tháo đường…
Còn tại Bệnh viện Nhân Dân 115, các phương pháp kỹ thuật cao điều trị loét bàn chân được áp dụng như: VAC (kỹ thuật hút áp lực âm vết thương), tăng trưởng biểu mô, gạc Nano-Oligo Saccharide.
ThS-BS Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), nhấn mạnh điểm mấu chốt trong việc ngăn ngừa loét chân đái tháo đường gồm: Bác sĩ xác định người bệnh có bàn chân nguy cơ loét. Thăm khám định kỳ các bàn chân nguy cơ loét. Người bệnh, người thân và nhân viên y tế tuyến ban đầu cần được hướng dẫn cách chăm sóc bàn chân. Người bệnh nên mang giày dép phù hợp. Nên đến khám sớm khi có dấu hiệu bất thường ở bàn chân.
Theo TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện 1A (Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM), nhu cầu điều trị vết thương bàn chân bệnh nhân đái tháo đường những năm gần đây tăng cao. Bệnh viện đã lập đơn vị chuyên sâu với quy mô 20 giường giúp bệnh nhân được chăm sóc vết thương theo các kỹ thuật mới về cắt lọc, xử lý bằng các băng gạc hiện đại, theo dõi lành thương, tư vấn giải pháp phục hồi sau khi xuất viện…
"Người giàu cũng khóc"
Bác sĩ Võ Tuấn Khoa lưu ý việc chăm sóc vết thương cho người bị đái tháo đường rất quan trọng, đặc biệt ở bàn chân. Thống kê thế giới cho thấy trong 4 người mắc đái tháo đường thì có 1 người sẽ bị loét chân trong suốt cuộc đời của mình. Bệnh nhân đến khám càng trễ thì vết loét chân do đái tháo đường càng nặng. Trung bình, một người bệnh đái tháo đường loét chân nằm viện 4 tuần. Trong đó, 10%-15% tử vong trong thời gian nằm viện, 85% trường hợp có nguy cơ phải cưa chân.
"Loét chân đái tháo đường có thể nói là "người giàu cũng khóc" nếu mắc phải, bởi chi phí điều trị là một gánh nặng rất lớn" - bác sĩ Khoa nhấn mạnh.
Bình luận (0)