Do không cất giữ thuốc tốt, để thuốc lẫn lộn với những vật dụng khác; trẻ em dễ dàng lấy thuốc, người lớn nhầm lẫn thuốc; thuốc cần giữ ở nhiệt độ thấp, cần để trong tủ lạnh nhưng lại để bên ngoài, lại bị ánh nắng chiếu vào, thế là thuốc hỏng, dùng chỉ có hại... Đó là nguyên nhân dẫn đến biết bao tai nạn, để lại những hậu quả đáng tiếc mà lẽ ra có thể phòng ngừa được.
Để thuốc nơi thoáng mát, khô ráo, không có nắng
Trong cuộc sống hằng ngày, có lúc chúng ta phải dùng đến thuốc. Hoặc là thuốc do bác sĩ khám bệnh ghi đơn để người bệnh đến nhà thuốc mua về dùng trong nhiều ngày; hoặc một số thuốc thông thường dùng để trị một số rối loạn nhẹ như sốt, đau nhức, ho, tiêu chảy, khó tiêu, đầy bụng... mà nhiều người thường mua sẵn trữ trong nhà để lúc hữu sự có thuốc dùng ngay.
Thuốc là sản phẩm đặc biệt liên quan đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng con người, nên cần phải cất giữ, bảo quản tốt chứ không thể để bừa bãi, lẫn lộn với mọi vật dụng khác trong gia đình. Có người để thuốc đang dùng trị bệnh một cách bừa bãi, đến giờ uống thuốc tìm mãi chẳng thấy đâu hoặc tìm được thì thuốc đã bị hỏng do để nơi không thích hợp.
Trong mỗi gia đình, với điều kiện cho phép, chúng ta nên mua hay đóng một cái tủ nhỏ có thể treo lên tường, vách hoặc đặt ở nơi dễ nhìn thấy với điều kiện: khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào (không nên để trong buồng tắm vì sự ẩm ướt làm cho thuốc mau hỏng). Tủ đặt như thế nào để trẻ con không tìm cách với tới được hoặc nếu trẻ con có thể với tới thì tủ phải có khóa cẩn thận.
Nếu không có điều kiện đóng hoặc mua tủ nhỏ, có thể tạm đặt thuốc trong ngăn kéo hoặc trong hộc tủ lớn. Cần phải đặc biệt lưu ý, nơi đặt thuốc phải là nơi thoáng mát, khô, không có ánh nắng chiếu vào và phải có khóa để trẻ con không mở ra lấy thuốc được.
Đối với thuốc dùng trong (tức loại để uống), ta nên sắp xếp riêng: thuốc dành cho người lớn và thuốc dành cho trẻ con, không nên để lẫn lộn.
Nếu thuốc có bao bì, nên để thuốc trong bao bì, kể cả bảng hướng dẫn sử dụng thuốc. Xin lưu ý, tất cả loại thuốc là viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. Nếu là thuốc dành cho người lớn, nên ghi chú trên nhãn: “Người lớn”. Nếu có hạn dùng (thường gọi là “đát”, từ chữ expiry date) phải ghi rõ và thường xuyên theo dõi, nếu thuốc quá hạn dùng phải bỏ đi, thay thuốc mới vào. Để giữ nhãn tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên nhãn.
Bảo quản thuốc đặc biệt trong tủ lạnh
Ở đây xin đề cập thêm việc bảo quản một số thuốc rất đặc biệt tại nhà. Đó là các thuốc là chế phẩm sinh học cần được giữ ở nhiệt độ thấp, thí dụ thuốc insulin trị bệnh tiểu đường.
Insulin là thuốc có bản chất là protein (chất đạm) cần phải giữ ở nhiệt độ thấp từ 4-8 độ C, không được tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Vì vậy, có lời khuyên khi mua insulin tại nhà thuốc, phải chắc chắn nhà thuốc bảo quản trong tủ lạnh và lấy từ tủ lạnh ra đưa cho bạn. Mua về nhà, trước khi dùng insulin, thuốc phải được cất giữ trong tủ lạnh (không để trong ngăn đá vì ở đó nhiệt độ rất thấp - 0 độ C hoặc thấp hơn - để nước đông thành đá). Khi lấy insulin ra khỏi tủ lạnh để dùng, cũng có lời khuyên: “Nên lấy thuốc insulin sắp được sử dụng ra khỏi tủ lạnh trước 4 giờ, bởi vì tiêm insulin lạnh sẽ đau hơn rất nhiều so với tiêm insulin ở nhiệt độ bình thường”. Như vậy, cần lưu ý thêm, ngoài chỗ cất giữ thuốc thông thường trong nhà phải có thêm tủ lạnh để bảo quản các thuốc đặc biệt.
Tóm lại, xin hãy xem việc cất giữ thuốc trong gia đình là quan trọng. Thuốc chỉ an toàn và phát huy tác dụng cao nhất khi sử dụng thuốc đúng và tồn trữ, cất giữ thuốc tốt.
Bình luận (0)