Sáng 31-5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận 2 bộ cấy điện ốc tai với tổng trị giá 900 triệu đồng do Trung tâm Chăm sóc sức nghe HearLIFE-Medel Việt Nam trao tặng. 2 thiết bị đắt đỏ này chính là cơ hội cho 2 em bé khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn được phục hồi hoàn toàn khả năng nghe – nói và sống cuộc đời bình thường.
Bé Gia Bảo (6 tuổi) được cấy điện ốc tai từ năm 2013. Đến nay, bé đã chuẩn bị vào lớp 1, khả năng nghe nói, ngôn ngữ hoàn toàn bình thường, thậm chí còn có phần lanh lẹ và hay chọc cười mọi người
Trong lễ tiếp nhận, Bệnh viện cũng mời đến 3 bé đã được cấy ốc tai vài năm trước: Gia Bảo, Bảo Ngọc và Kim Ngân, đều cùng lên 6 tuổi. Cả 3 bé đều có khả năng ngôn ngữ tốt, đang học ở trường mầm non bình thường và năm học tới vào lớp 1. Ngoài phẫu thuật, các bé cũng được hỗ trợ tâm lý và âm ngữ trị liệu, bởi lẽ tuổi bắt đầu phát triển ngôn ngữ của các bé chỉ có thể bắt đầu khi được cấy ốc tai và nghe được. Do đó, sau phẫu thuật là một cuộc "chạy nước rút" để vãn hồi khoảng cách trước khi các cháu vào lớp 1.
Bé Bảo Ngọc (áo trắng) đang hát tặng mọi người, trong lúc bé Gia Bảo hào hứng chụp hình lại bạn mình
Được các anh chị phóng viên "test" khả năng nghe, tiếp nhận ngôn ngữ bằng vài hướng dẫn chụp ảnh ngắn, cậu bé Gia Bảo đã tự tin cầm máy và rất hứng thú với "trò chơi" mới
Các bác sĩ cho biết, trẻ khiếm thính do không thể nghe được nên cũng không thể nói được. Và nếu cũng không được hỗ trợ đặc biệt để phát triển ngôn ngữ, khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng kém rất nhiều so với người bình thường, từ đó dẫn đến nhiều khó khăn về mặt giao tiếp, xã hội, thậm chí khả năng đọc – viết cũng nhiều bất ổn.
Bé Kim Ngân (6 tuổi) cũng rất dạn dĩ và hiếu động trước đám đông
Bé Kim Ngân (áo vàng) và Bảo Ngọc đã phát triển ngôn ngữ rất tốt sau vài năm kể từ khi được phẫu thuật và chuẩn bị vào lớp 1
Cấy ốc tai điện tử (điện ốc tai) được coi là phương pháp hữu hiệu nhất với hầu hết trẻ khiếm thính. Nếu được cấy sớm và hỗ trợ thêm về tâm lý, âm ngữ trị liệu, bé hoàn toàn có thể phát triển ngôn ngữ bình thường, nghe nói bình thường, học ở trường dành cho trẻ bình thường và sống một cuộc đời không khác gì người không bị khiếm thính. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với trẻ khiếm thính ở nước ta là do dù được BHYT hỗ trợ hầu hết các chi phí phẫu thuật, phục hồi chức năng, nhưng phần thiết bị điện ốc tai lại không được chi trả. Với giá vài trăm triệu đồng, hầu như chỉ trẻ sinh ra ở gia đình khá giả là tiếp cận được với phương pháp này.
Bé Kim Ngân đọc thơ tặng mọi người
TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng đưa ra lời kêu gọi với cộng đồng: mong mọi người hãy giúp các trẻ em nghèo khiếm thính được tiếp cận với phương pháp điều trị hiệu quả nhưng đắt đỏ này. Ông chia sẻ rằng hiện nay phòng Công tác xã hội của bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận các khoản hỗ trợ, nhưng dường như nhóm bệnh nhi với những dị tật dễ thấy như trẻ bệnh tim, bỏng, dị tật vận động… vẫn được nhiều sự thương cảm hơn nhóm trẻ bị bệnh mạn tính, mắc dị tật khó nhìn thấy, ví dụ như trẻ câm điếc. Tuy nhiên, rất khó nói bệnh gì là nặng hơn, bệnh gì ảnh hưởng nặng nề đến cuộc đời các cháu hơn. Riêng với trẻ khiếm thính, rõ ràng là cuộc phẫu thuật giúp trẻ thoát cảnh câm, điếc có giá trị rất lớn đối với cuộc đời các cháu.
Hiện nay, tại TP HCM có Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM và Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử
Bình luận (0)