TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tiến Lý, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cảnh báo người lớn tuổi nếu ít vận động, nằm hay ngồi nhiều sẽ dễ tái phát các bệnh về xương khớp.
Người lớn tuổi dễ lo âu
Chị Ng.M.T (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) than thở: "Mẹ tôi buôn bán ở chợ và hay bị đau nhức khớp, bà cũng có tuổi, con cháu năn nỉ mãi mà bà không chịu nghỉ. Vậy mà mấy hôm nay nghỉ bán ở nhà để chống dịch, tưởng khỏe hơn nhưng sức khỏe của bà lại kém hẳn".
Theo BS Nguyễn Tiến Lý, việc "nhốt" mình ở nhà kéo dài mà ít vận động, với những người có bệnh xương khớp rất dễ làm bệnh nặng thêm. Chưa kể nếu ở mãi trong phòng và sử dụng máy lạnh thường xuyên sẽ khiến người lớn tuổi dễ gặp các bệnh về đường hô hấp. "Sử dụng các phương tiện như tivi, mạng xã hội để cập nhật tình hình dịch bệnh và các thông tin xã hội khác, hay giữ liên lạc với con cái, bạn bè... là điều tốt cho người lớn tuổi trong giai đoạn này nhưng cũng không nên chỉ làm những việc này và ở suốt trong phòng riêng. Cần tăng cường vận động nhẹ nhàng vừa sức, buổi sáng có thể ra trước sân nhà tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên làm việc nhà theo kiểu có "động tay, động chân" thì mới "lướt qua" được triệu chứng bệnh xương khớp tuổi già. Phòng riêng cho người có tuổi tốt nhất nên thông thoáng, hạn chế sử dụng máy lạnh mà có thể sử dụng quạt máy" - BS Tiến Lý khuyên.
Trong những ngày giãn cách ở nhà phòng chống dịch, người có tuổi nên tăng cường làm việc nhà, sống lạc quan. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: QUỐC THẮNG
BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên gia tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược, lưu ý cần hạn chế nếu thấy cha, mẹ, ông, bà của mình cứ suốt ngày cầm điện thoại, dán mắt vào màn hình tivi để theo dõi thông tin dịch bệnh. Biết kiến thức phòng dịch là tốt nhưng việc căng thẳng theo dõi từng con số, từng biến chuyển một cách cụ thể dễ gây ra vấn đề về tâm lý bởi người lớn tuổi thường hay lo âu hơn người trẻ. Nếu như người đó sẵn bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc ở trong một gia đình thuộc típ thần kinh dễ bị lo âu, trầm cảm (thường sẽ có một số thành viên trong nhà mắc bệnh) thì tinh thần người lớn tuổi đó càng dễ sa sút.
Điều trị tốt các bệnh nền
Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, không ít người lớn tuổi ngại đi bệnh viện, nên có thể tự ý ngưng thuốc, điều này là không nên. "Cần phải điều trị tốt các bệnh nền vì nếu quá lo lắng có thể làm người bị đau khớp khó chịu hơn, người bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay hen suyễn dễ vào cơn khó thở hơn, người bị cao huyết áp bất ổn hơn... Ngược lại, việc bị các căn bệnh này cũng khiến người lớn tuổi dễ bị stress. Vì vậy, muốn đỡ stress thì ngoài can thiệp tâm lý cũng phải điều trị các bệnh nền cho ổn" - BS Khuyên nói.
Mặc dù giãn cách xã hội nhưng các nhà thuốc vẫn hoạt động, các bệnh viện vẫn khám bệnh trực tuyến, nên nếu không thể tới phòng khám được có thể liên hệ với các bác sĩ qua Zalo, Viber. Người nhà cũng cần quan tâm việc mua thuốc giùm cho cha, mẹ, ông, bà của mình.
"Trong thời gian giãn cách xã hội ở nhà để phòng chống dịch cần hỗ trợ người lớn tuổi trong gia đình có những sinh hoạt lành mạnh khác ngay trong ngôi nhà của mình, ví dụ như đầu tư một chiếc máy tập dễ sử dụng (như đạp xe tại chỗ, hệ thống ròng rọc tập luyện), tìm trên mạng các bài tập nhẹ nhàng có tác dụng giảm tải cho các khớp xương, tăng cường vận động giúp máu huyết lưu thông. Con cái có thể tập cùng cha mẹ bởi thiếu vận động trong giai đoạn giãn cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người" - BS Tiến Lý tư vấn.
BS Trần Minh Khuyên cho rằng việc người có tuổi có tâm lý "buông xuôi" trong những ngày dịch bệnh, sáng dậy trễ, ăn uống không điều độ... là không đúng, điều này chỉ làm tâm lý xuống dốc hơn (với cả người trẻ). Thay vào đó, cả nhà hãy cùng nhau thức dậy sớm vào giờ như thường lệ khi còn chưa giãn cách, tập thể dục, tắm rửa, ăn sáng. Cố gắng "tạo việc làm" để bù đắp quãng thời gian trống như cả nhà cùng nhau nấu nướng vài món ăn, ông bà trông nom, vui chơi với các cháu nhỏ, người trẻ thu xếp thời gian rủ ông, bà cùng đánh cờ...
Bình luận (0)