Bộ Y tế cho biết sáng 18-3 nước ta không có ca mắc Covid-19. Việt Nam vẫn có 2.567 trường hợp mắc Covid-19 trong đó 1.599 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 906 ca, riêng Hải Dương có 722 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP HCM (36 ca ), Hòa Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế
10 tỉnh, thành phố đã 33 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP HCM. Hà Nội đã tròn 1 tháng không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng. Hải Phòng đã 23 ngày qua không có ca bệnh Covid-19 mới tại cộng đồng.
Hiện Bệnh viện trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là nơi có nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất với hơn 140 ca bệnh. Cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có hơn 70 ca bệnh, 18 cơ sở còn lại chủ yếu điều trị 1-7 ca bệnh, rải rác có nơi điều trị 15-19 bệnh nhân.
Trong các bệnh nhân đang điều trị có 3 ca tiến triển nặng lên (2 ca ở Quảng Ninh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), 2 ca tiên lượng rất nặng (ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng).
Hai trường hợp bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là BN1823 và BN2348. Hai bệnh nhân này đều đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 4-5 lần tuy nhiên, do có các bệnh lý nền đi kèm nên vẫn được các cơ sở y tế chăm sóc đặc biệt.
BN1823, nam 65 tuổi (quê Mê Linh, Hà Nội), đã ngừng can thiệp ECMO ngày thứ 4. Ông có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường 5 năm, nhập viện hôm 1-2. Đây là người đàn ông trong gia đình có 4 người mắc Covid-19 tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, liên quan nguồn lây từ nhà máy Z153 ở Đông Anh. Hiện bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 4 lần, tuy nhiên, trong một số ngày gần đây bệnh nhân có tình trạng xuất huyết tiêu hoá.
BN2348, nữ 65 tuổi ở Chí Linh, Hải Dương, đã có 5 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đến nay, bà đã có 35 ngày điều trị, trong đó nằm trong phòng hồi sức 33 ngày. Tuy nhiên, chức năng phổi của bệnh nhân không cải thiện. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân rối loạn miễn dịch, bệnh tự miễn liên quan đến Covid-19.
Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng- Ảnh: Lê Hảo
Tại buổi hội chẩn trực tuyến hội chẩn các bệnh nhân nặng, ngày 17-3, GS-TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng - đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử cán bộ hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thực hiện phương pháp nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh đối với BN1823 và chuyên gia về miễn dịch, huyết học để xem xét căn nguyên của BN2348.
Với trường hợp BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - từng được đánh giá nặng hơn cả bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh trong đợt dịch trước) đã có sự phục hồi nhất định. Bệnh nhân này thoát tình trạng nguy kịch, liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong những lần xét nghiệm gần đây. Dù vậy, do nằm viện điều trị từ ngày 14-1 đến nay nên bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ, còn huyết khối.
Nhiều cơ sở y tế đã hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1
Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia cho biết có thêm 3.359 người được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong ngày 17-3. Như vậy, nước ta đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 24.054 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Đến thời điểm này, đã có 6 đơn vị hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 trong đợt đầu tiên này là: Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Liên quan đến thông tin về các trường hợp bị đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, GS-TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi. Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Bình luận (0)