Mang trong mình căn bệnh ung thư, chị Tạ Lưu Ngọc A. (26 tuổi) cứ ngỡ sẽ thật khó để được đón nhận thiên chức làm mẹ, nhưng may mắn có lẽ đã mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ. Sau khi kết thúc quá trình điều trị bệnh u lympho Hodgkin (ung thư máu) vào tháng 11-2019 thì 5 tháng sau, chị vỡ òa vì hạnh phúc khi biết mình có thai.
Năm 2019, chị Tạ Lưu Ngọc A. (quê tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã điều trị u lympho Hodgkin giai đoạn IIA với năm chu kỳ điều trị truyền hóa chất. Sau một thời gian dài, cơ thể chị đáp ứng điều trị 60% và chỉ định ra viện tái khám.
Tháng 3-2020, tại Bệnh viện K, chị A. phát hiện thai 11 tuần, hạch cổ kích thước 7 mm, hạch trung thất kích thước 10 mm. Chị A. được bác sĩ tư vấn ra viện theo dõi thai kì tại cơ sở y tế chuyên khoa sản. Chị A. được theo dõi cả thai kỳ tại cơ sở y tế gần nhà và thường xuyên trao đổi thông tin với các bác sĩ. "Khi biết là mang thai, hai vợ chồng vừa vui, vừa lo lắng nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ giữ con, động viên nhau suy nghĩ tích cực và thăm khám thường xuyên, hy vọng may mắn sẽ đến với chúng tôi"- chồng chị A. chia sẻ.
Sản phụ liên tục được người thân động viên trước ca phẫu thuật - Ảnh: Hà Trần
Với sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa sản, ung bướu cùng sự động viên của gia đình và chồng, chị A. vượt qua 6 tháng đầu của thai kỳ khá nhẹ nhàng. Đến những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển nhanh hơn, các bác sĩ Bệnh viện K phối hợp Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành theo dõi, điều trị cho sản phụ, cố gắng kéo dài từng ngày thai kỳ để em bé được chào đời đủ ngày, đủ tháng.
Những ngày tháng cuối của thai kỳ, chị A. yếu hơn, có hiện tương dịch màng phổi, màng tim, có tổn thương xương ức, thể trạng yếu, ăn uống kém, khó thở khi nằm, khi gắng sức, phải ngủ trong tư thế ngồi, tử cung to tương đương tuổi thai, có thai máy, hạch thành ngực kích thước 12x17 mm. Đặc biệt, bệnh nhân A.có dịch màng phổi dày 20 mm, khó thở, khó giao tiếp, bệnh chưa được đánh giá chính xác có di căn hay không bởi nhiều xét nghiệm chưa thể thực hiện.
Các bác sĩ Bệnh viện K đã trao đổi với Bệnh viện Phụ sản Trung ương về việc sẽ phẫu thuật lấy thai và sau đó điều trị cho người mẹ. Nhiều cuộc hội chẩn được diễn ra để cân nhắc các phương án phẫu thuật cũng như điều trị cho chị A.
Kíp phẫu thuật của hai bệnh viện tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt cho sản phụ
Theo PGS- TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cùng với việc các bác sĩ sản khoa đánh giá tình hình thai nhi thì bác sĩ Bệnh viện K cũng đánh giá tình hình tiến triển bệnh của chị A để sẵn sàng xử lý các tình huống diễn ra trong mổ để em bé chào đời mạnh khỏe, mẹ bình an.
Ngày 1-12, khi thai nhi ở tuần 37, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong đó có PGS- TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã trực tiếp sang hỗ trợ mổ sinh tại Bệnh viện K cho sản phụ A. Vì sản phụ có tràn dịch màng phổi, màng tim do đó đặt ra nhiều thách thức trong quá trình gây mê hồi sức, cố gắng thực hiện gây tê tủy sống giúp người bệnh hồi phục nhanh nhất có thể.
"Đây là ca mổ đặc biệt, trong mổ thai phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho chị A. ở tư thế ngồi - đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân sức khỏe yếu, khó thở nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác"- PGS Cường chia sẻ.
Hơn một năm trước, các bác sĩ hai bệnh viện đã chứng kiến hành trình sinh nở đầy nghị lực của sản phụ Nguyễn Thị L., 28 tuổi, quê Hà Nam mắc ung thư vú giai đoạn cuối quyết tâm sinh con.
Đến nay, con trai chị là bé Bình An đã hơn một tuổi, thông minh và khỏe mạnh. Bình An cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho sản phụ L. sống khỏe mạnh đến nay dù trước đó chị đã rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Vì thế, các bác sĩ cũng hy vọng, bé gái của sản phụ A. hôm nay cũng sẽ bình an, khỏe mạnh, tiếp thêm sức mạnh để mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Bình luận (0)