Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), cho biết chưa bao giờ quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng như thời điểm này. Ngoài hơn 900 loại thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị đắt tiền thì hơn 300 kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng đã được Quỹ BHYT thanh toán.
Tăng tính hấp dẫn
Chờ nhận thuốc BHYT tại một bệnh viện ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cũng cho biết tới đây, các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ do BHYT chi trả như sàng lọc các bệnh thiếu men G6PD, sàng lọc hội chứng Down, tim bẩm sinh... Ngoài ra, dịch vụ sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư vú, cổ tử cung ở nữ giới, ung thư đại trực tràng và tiền liệt tuyến ở nam giới; sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp cũng sẽ được BHYT chi trả trong thời gian tới.
“Thuốc” chưa đủ mạnh!
Dù quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng khá nhiều nhưng số người tham gia BHYT lại không đạt như kỳ vọng, hiện còn 34 triệu người chưa tham gia BHYT. Theo mục tiêu đến năm 2014 thực hiện BHYT toàn dân với 80% người dân có BHYT, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại không dễ gì đạt được. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận: “Phải có sự chuyển biến cả về cơ chế chính sách lẫn biện pháp thực hiện mới hy vọng tăng số người tham gia BHYT”.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết với đối tượng bắt buộc tham gia BHYT là người lao động trong các doanh nghiệp mới chỉ có 6/12 triệu người có thẻ BHYT, do chủ sử dụng lao động không đóng hoặc trốn đóng BHYT cho người lao động. Riêng đối tượng chưa bắt buộc tham gia BHYT, dù được hỗ trợ 50% số tiền mua thẻ, có nơi hỗ trợ tới 80% nhưng số người thuộc hộ cận nghèo có thẻ chỉ ở mức dưới 1 triệu người (chiếm 12%). Còn những người mua thẻ BHYT thuộc đối tượng tự nguyện cũng chỉ là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo.
Quy trình “hành” bệnh nhân
Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân khiến số người tham gia BHYT còn thấp là do chất lượng KCB BHYT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, các tỉnh, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc quá tải ở hầu hết các BV tuyến tỉnh và Trung ương khiến người dân chưa hài lòng vì thủ tục phiền hà khi đi KCB. Bên cạnh đó, việc Luật BHYT quy định mức cùng chi trả 5% - 20% đã tác động lớn đến người bệnh, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người mắc các bệnh mãn tính. Đa số các sở Y tế và các BV đề nghị nên bỏ quy định cùng chi trả 5% cho những đối tượng theo quy định, tuy nhiên kiến nghị này đến nay vẫn không được các cơ quan chức năng chấp nhận.
Từ thời điểm triển khai Luật BHYT, đối tượng tham gia BHYT phải chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là những người bị tai nạn giao thông (TNGT). Hai năm qua, các bộ, ngành đã có hàng chục cuộc họp để tìm ra tiếng nói chung giải quyết vướng mắc cho đối tượng này nếu chẳng may bị TNGT. Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-10, ông Phạm Lương Sơn cho rằng liên bộ Y tế - Tài chính - Công an - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn chưa thống nhất việc giải quyết vướng mắc này theo hướng người có thẻ BHYT khi bị TNGT sẽ được thanh toán phí KCB tại cơ sở y tế, còn việc xác minh họ có vi phạm luật giao thông hay không sẽ do bảo hiểm xã hội và cơ quan công an thực hiện.
Quy định trái khoáy này không chỉ khiến người bệnh “điêu đứng” mà ngay cả những người làm chuyên môn cũng phải lên tiếng. Bác sĩ Nguyễn Minh Trọng, Khoa Khám bệnh cấp cứu (BV Việt Đức), phản ánh: “Tại BV Việt Đức, những trường hợp ngã trong nhà được coi là tai nạn sinh hoạt nhưng có khi bước ra ngoài sân trượt chân ngã ngay trước cửa cũng bị coi là TNGT, thế là phải đi xin giấy xác nhận ở công an xã, phường mới được BHYT thanh toán. Nhiều khi nhân viên y tế giải thích nhưng bệnh nhân vẫn “ngơ ngác” vì quy định đánh đố này”.
Xem ra việc chinh phục 34 triệu người còn hờ hững với thẻ BHYT vẫn là một bài toán khó.
Sau 2 năm thực hiện Luật BHYT (từ ngày 1-1-2009), đến nay đã có thêm gần 14 triệu người tham gia BHYT, nâng số người có BHYT lên 53,5 triệu người, chiếm 60% dân số.
Mất tiền oan vì thuốc đắt, xét nghiệm nhiều Ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết thiệt thòi cho người sử dụng BHYT là cơ chế quản lý giá thuốc chưa chặt chẽ nên giá thuốc ở Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực và giá thuốc các BV thì cao hơn thị trường. Mặt khác do không có quy định trần chi trả nên cùng một số tiền đóng thẻ BHYT là 460.000 đồng/năm, người dân vùng khó khăn chỉ được KCB tại y tế cơ sở và chỉ được chi trả khoảng vài trăm ngàn đồng/lần, còn ở TP số chi lên tới vài trăm triệu đồng/lần, thậm chí cả tỉ đồng/lần điều trị. Tình trạng lạm dụng xét nghiệm cũng là lý do khiến người bệnh phải cùng chi trả nhiều hơn. Đơn cử như BV Đa khoa Bình Định: 100% bệnh nhân vào khám bệnh ai cũng phải chụp cộng hưởng (MRI), kết quả, BV lấy được của quỹ 1 - 2 triệu đồng còn người bệnh oằn vai cùng chi trả. |
Bình luận (0)