Ngày 27-6, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) tại một số bệnh viện trên địa bàn TP HCM, đồng thời làm việc với Sở Y tế TP về tăng cường điều trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong do SXH.
Điều trị khó khăn
Từ đầu năm đến nay, TP HCM có gần 19.000 ca SXH với 10 trường hợp tử vong. Dự báo thời gian tới, số ca mắc tăng sẽ khiến hệ thống thu dung, điều trị SXH tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP quá tải.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện quận 8, cho biết từ đầu tháng 5-2022, số ca mắc SXH đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh viện tiếp nhận phần lớn các ca bệnh nhẹ, riêng các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc sẽ chuyển lên tuyến trên để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Bệnh viện quận 8 đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự, thuốc men, vật tư y tế, giường bệnh để sẵn sàng ứng phó khi số ca mắc SXH trên địa bàn gia tăng. "Mặc dù nhân sự đủ đáp ứng cho công tác điều trị SXH nhưng vẫn thiếu người có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Hiện nay, chỉ có một số bác sĩ trụ cột lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm, còn đa số là bác sĩ trẻ nên có sự hạn chế, khó khăn khi có ca nặng" - bác sĩ Hùng nói.
Đại diện Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết đơn vị vừa mới khôi phục công năng gần 4 tháng do trước đó đây là nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện tại đây đang điều trị 20 người lớn và 6 bệnh nhi SXH, đa số bệnh nhẹ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện quận 8 (TP HCM)
Một trong những khó khăn của Bệnh viện huyện Củ Chi là năng lực không bảo đảm để điều trị ca nặng. Bên cạnh đó, do bệnh viện ở xa (cách trung tâm thành phố khoảng hơn 2 giờ di chuyển) nên khi có ca nặng, bệnh viện đều phải chuyển lên tuyến trên sớm để bảo đảm công tác điều trị.
Là một trong những tuyến cuối về nhi khoa của TP HCM và khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 1.739 bệnh nhi SXH từ đầu năm đến nay. Trong đó, khoảng 35% phải nhập viện điều trị với 369 ca sốc SXH. Tại đây cũng đã có 7 trường hợp tử vong do SXH.
TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bệnh viện sẵn sàng các phương án trong trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện đơn vị gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị SXH. Các loại dung dịch cao phân tử sử dụng để điều trị như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc SXH lại chưa được BHXH Việt Nam chấp thuận thanh toán BHYT.
"Bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế sớm có giải pháp hỗ trợ cho các bệnh viện tìm được nguồn cung ứng kịp thời các dung dịch cao phân tử, tiếp tục tăng cường công tác huấn luyện. Đặc biệt trong năm nay, các bác sĩ ở các bệnh viện quận - huyện, phòng khám tư rất cần ôn lại phác đồ chẩn đoán và điều trị SXH, kể cả bệnh viện tuyến sau" - bác sĩ Minh cho hay.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM quá tải
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh viện đang điều trị 349 ca bệnh SXH cả người lớn và trẻ em. Trong đó, có 7 ca bệnh nặng xin về, 3 ca tử vong tại bệnh viện.
Về khó khăn hiện tại, theo bác sĩ Dũng, điều trị SXH cho bệnh nhi, ngoài đơn vị còn có 3 bệnh viện nhi (Nhi Đồng 1, 2 và Thành Phố) nhưng với người lớn, tuyến cuối chỉ có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Do đó, bệnh viện đang quá tải.
"Đa số các ca nhập viện tại đơn vị đều trong tình trạng sốc, cảnh báo, không chỉ điều trị tại khoa hồi sức mà còn nằm ở khoa thường, khi nào tái sốc thì hội chẩn với khoa hồi sức rồi chuyển qua. Tuy nhiên, hiện tại cũng không còn chỗ nên hội chẩn xong chỉ những trường hợp đặt máy thở, lọc máu mới chuyển. Bây giờ có thể kham nổi nhưng sắp tới không thể" - bác sĩ Dũng lo ngại.
Bác sĩ Dũng cũng đề xuất những ca nào ở tuyến trước, chống sốc được thì liên hệ tổ chuyên môn của bệnh viện để hội chẩn, điều trị. Đặc biệt, với khoa hồi sức nhi tại đơn vị sắp tới sẽ không nhận bệnh nhi, để cơ số giường nhi sẽ chuyển sang điều trị người lớn.
Bên cạnh đó, năm nay phụ nữ có thai mắc SXH thường suy gan, suy đa tạng, sốc sâu… Do đó, bệnh viện đã đưa ra phác đồ điều trị riêng cho đối tượng này, hiện đã trình hội đồng chuyên môn và sắp tới sẽ có phác đồ điều trị SXH cho phụ nữ mang thai.
Về thuốc và trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân không thiếu nhưng những bệnh nhân cần truyền máu, nhất là nhóm máu hiếm AB thì cung ứng hơi chậm. Bệnh viện đề xuất nếu tuyến dưới có năng lực thì giữ bệnh nhân SXH lại để điều trị, chỉ chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới những trường hợp không thể giải quyết.
Sẽ thành lập bệnh viện hồi sức SXH nặng
Trước những khó khăn trên của các bệnh viện, Sở Y tế TP HCM đề nghị Bộ Y tế có một nguồn dự phòng để nhập các loại thuốc hiếm trong điều trị SXH. Sở cũng đề nghị cấp kinh phí cho công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới vì thời gian qua, chi phí này do bệnh viện tự chủ mà không được thanh toán lại.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết hằng tuần, các cơ sở cùng chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn điều trị các ca bệnh khó. Bên cạnh đó, lên phương án sẵn sàng thu dung, điều trị nếu ca bệnh tăng. Có thể mở thêm bệnh viện hồi sức ca nặng chuyên điều trị SXH, kể cả bệnh viện sản phụ khoa. Ngoài ra, ngành y tế thành phố cũng tăng cường hội chẩn từ xa cho các tỉnh, hướng dẫn chuyển tuyến an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến nay số ca mắc SXH trên cả nước đã ghi nhận 77.000 ca, so với đỉnh dịch năm 2019 đã vượt qua hơn 40% về số ca mắc và tử vong. Đây là thách thức lớn với hệ thống y tế từ dự phòng đến khám chữa bệnh tại khu vực phía Nam nói chung, TP HCM nói riêng.
Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt, cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để họ phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân. Mặc dù hiện nay chưa có dấu hiệu quá tải nhưng nếu tất cả ca bệnh đều chuyển tuyến đổ dồn lên tuyến trên thì tình trạng quá tải có thể xảy ra.
"Bộ Y tế sẽ làm việc với các đơn vị dược để làm sao tăng cường lượng thuốc phù hợp điều trị, đặc biệt là thuốc về hồi sức SXH cho các cơ sở y tế. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo bộ, phối hợp với Cục Y tế dự phòng chỉ đạo cho các vụ kế hoạch tài chính chuẩn bị nguồn kinh phí cho công tác tập huấn" - ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Đoàn công tác Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế TP HCM tăng cường hội chẩn từ xa ngay từ đầu đối với những ca nặng, tập huấn địa phương tổ chức chuyển tuyến an toàn. TP HCM vừa là tiền phương vừa là hậu phương của khu vực phía Nam, vì vậy giảm được áp lực cho các địa phương thì cũng là giảm về thu dung điều trị, số ca tăng nặng và số ca tử vong. Bộ Y tế kỳ vọng TP HCM dẫn đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH.
Nhắn tin nhắc người dân diệt lăng quăng
Trong công tác phòng chống SXH, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng nhận định mấy chục năm qua chúng ta vẫn thua muỗi, lăng quăng, diệt hoài không xong. Do đó, ngành y tế đề xuất sắp tới sẽ gửi tin nhắn đến các lãnh đạo sở, ngành, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thành phố, mỗi tuần dành 1 ngày diệt lăng quăng tại đơn vị. Bên cạnh đó, mỗi tuần cũng nhắn tin đến người dân trên địa bàn để chủ động phòng chống dịch bệnh.
"Tuần nào cũng nhắn vào điện thoại nhắc nhở bà con diệt lăng quăng, lâu dần sẽ hình thành thói quen" - bác sĩ Tăng Chí Thượng đề xuất.
Bình luận (0)