Thời gian qua, dư luận đã bày tỏ sự thương cảm đối với nữ sinh Lê Thị Hà Vi - 16 tuổi, học lớp 10 ở Đắk Lắk - do phải chịu đoạn chi sau một tai nạn giao thông. Điều đáng tiếc là Vi không hề bị thương tổn gì quá nặng bởi vụ tai nạn mà chỉ bị gãy mâm chày ở vùng gối phải - một chấn thương mà theo các bác sĩ (BS) là không hiếm gặp và cũng không khó trị.
Lơ là, vấn đề sẽ rầy rà
Chân của Vi dần hoại tử được xác định do động mạch khoeo (nằm phía hõm mặt sau của đầu gối), động mạch chính nuôi dưỡng phần chi này, bị tắc. Theo nhiều chuyên gia, mạch máu này có thể không bị tắc hoàn toàn mà bị dập, gây ra hiện tượng tắc nghẽn từ từ khiến phần chi bên dưới chết dần.
Tuy vậy, dạng chấn thương này không xa lạ gì với nhiều BS ngành chấn thương - chỉnh hình. Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM - nơi Vi đã điều trị, ông từng gặp và giải quyết một số ca chấn thương mạch máu tương tự. Trong đó, có ca cũng bị gãy mâm chày hay các phần xương khớp ở đầu gối, có ca trông đơn giản hơn nhiều nhưng hậu quả sẽ phức tạp nếu bệnh nhân không được theo dõi và phát hiện tổn thương thầm lặng nơi mạch máu.
“Ví dụ trường hợp một nam thanh niên được chuyển lên từ BV địa phương. Anh này bị tai nạn trật khớp gối, đã đến một đơn vị y tế gần nhà để làm thao tác đơn giản là nắn khớp gối về đúng vị trí. Tuy nhiên, diễn biến bên chân trật khớp ngày một xấu đi, bệnh nhân cảm thấy bị tê và đau nhiều, nhập viện mới phát hiện động mạch khoeo đã bị dập” - BS Ánh nhớ lại.
Đề phòng mạch máu tắc dần
Theo BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM), tổn thương mạch máu có thể gặp trong bất cứ tổn thương nào ở các vùng trên cơ thể. Nơi nào có mạch máu thì nơi đó sẽ có nguy cơ nếu như gặp tai nạn. Tuy nhiên, tổn thương mạch máu trong tai nạn vùng gối xảy ra nhiều và đáng lo hơn cả.
“Chấn thương ở gối rất phức tạp và có nhiều thứ có thể bị chấn thương ở vùng đó, như gãy xương, rách sụn chêm, đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng hai bên… Vùng này không có nhiều mạch máu để lưu ý như đa phần các vùng cơ thể khác, chỉ đáng lo nhất là động mạch khoeo. Nếu động mạch này bị đứt, tắc, phần cơ thể bên dưới sẽ không còn gì nuôi và bị hoại tử. Trong khi đó, với các ca chấn thương nặng vùng gối, chẳng hạn gãy xương, nguy cơ tổn thương mạch khoeo có thể lên đến 40% nên việc theo dõi động mạch quan trọng này luôn phải đi đôi với điều trị chấn thương” - BS Định phân tích.
BS Ánh cho biết thông thường, nếu mạch máu bị tổn thương quá nặng, như đứt lìa thì rất dễ phát hiện ngay khi nhập viện vì khi đó, vùng cơ thể không có máu nuôi sẽ tím tái, mất cảm giác. Trường hợp mạch chỉ dập mới đáng lo vì khi nhập viện, vùng cơ thể bên dưới đoạn dập vẫn hồng hào do còn máu nuôi. Sau đó một thời gian, có thể là vài ngày, mạch mới tắc từ từ và khiến phần cơ thể của bệnh nhân “chết dần”.
Ở các chấn thương tương đối nặng như gãy xương, bệnh nhân sẽ được theo dõi mạch máu tại BV. Thế nhưng, với các chấn thương có thể điều trị ngoại trú như trật khớp, việc sớm nhập viện khi thấy cơ thể mình bất ổn là rất quan trọng. Các tổn thương mạch máu có thể được xử lý bằng phẫu thuật nối lại mạch máu, xử lý phần dập; hiệu quả thành công còn phụ thuộc vào tổn thương ấy có được phát hiện sớm hay không.
Các BS cũng khuyến cáo trong các chấn thương như gãy xương, bong gân, trật khớp…, việc cố định khi sơ cứu và di chuyển đến BV là rất quan trọng. Bởi lẽ, khi phần cơ thể đã bị gãy, lỏng lẻo, lại xê dịch vì đi trên xe, bệnh nhân có thể bị sốc do đau đớn, gây thêm nhiều chấn thương ở xương khớp, thần kinh hay mạch máu.
Coi chừng cảm giác đau, tê
Theo các BS, dấu hiệu phổ biến nhất của phần cơ thể bên dưới đoạn mạch máu bị dập, tắc từ từ chính là cảm giác tê và đau, sau đó là cảm giác da thịt lạnh và thiếu hồng hào. Muộn hơn là tình trạng xuất hiện các bóng nước, báo hiệu sự hoại tử.
Cảm giác đau, tê ban đầu không chỉ xuất hiện ở vùng bị thương tổn. Ví dụ, chấn thương đầu gối thì cảm giác đau, tê không chỉ ở gối mà còn cả vùng chi bên dưới. Khi xuất hiện những cảm giác này, bệnh nhân cần đến ngay BV để được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Bình luận (0)