Chính phủ đã nhận thấy bất cập đó và quyết định chuyển đổi chiến lược để thích ứng với tình hình. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ứng dụng kiến thức y học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công. Chính phủ đang hướng đến sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả để đạt mục tiêu phát triển kinh tế và duy trì ổn định xã hội, phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh không thể biến mất hẳn.
Một chốt kiểm soát phòng chống dịch tại TP HCM trước khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI YẾN
Theo y học, dịch Covid-19 lây lan chủ yếu do hành vi giao tiếp của con người, chứ không phải do virus chủ động di chuyển từ người này sang người khác. Virus SARS-CoV-2 chỉ nguy hiểm khi có tiếp xúc không an toàn, ở nơi đông người, ở môi trường đậm đặc virus, nơi thiếu thông khí và không có biện pháp bảo vệ cá nhân tốt như 5K và tiêm chủng vắc-xin.
Tiêm chủng vắc-xin và duy trì 5K đã trở thành quy định bắt buộc khi tham gia các hoạt động xã hội. Vấn đề còn lại là chống dịch trong các môi trường dễ lây lan dịch như thế nào để đạt kết quả tốt.
Tại TP HCM hiện nay, các hoạt động đông người như sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi - giải trí, các hoạt động dạy và học trực tiếp, nhà hàng, tiệc cưới, vận chuyển hành khách nên tiếp tục được tạm dừng. Tình trạng tụ tập đông người sẽ là những cơ hội không thể tốt hơn để bệnh dịch phát tán rộng rãi, đe dọa mọi nỗ lực chống dịch.
Người dân đã được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và tuân thủ biện pháp 5K khi ra đường sẽ không phải là nguồn lây bệnh. Họ không phải là đối tượng để phòng chống dịch nếu ra đường để làm mọi việc mà chính quyền không cấm. Những cách làm cảm tính và duy ý chí cần được chấm dứt, để chống dịch thành công và cuộc sống xã hội trở lại bình thường.
Những khu nhà chật chội liền kề, thiếu tiện nghi, thông khí và vệ sinh kém thực sự là các ổ dịch tiềm ẩn. Ở đây, người dân sống đông đúc, ít có không gian riêng và có thói quen chuyện trò tiếp xúc với hàng xóm láng giềng - con đường thuận lợi để phát tán virus. Thái độ chủ quan, ý thức phòng bệnh kém và thiếu nhắc nhở, giám sát... giải thích cho tình trạng lây nhiễm cao tại các khu vực này. Đây là một trong những trọng tâm cần được ưu tiên trong phòng chống dịch, để đầu tư đúng mức về cả chính sách, nhân lực, kinh phí, chế độ đãi ngộ lẫn chế tài xử lý vi phạm.
Hy vọng những biện pháp phòng chống dịch dưới hướng dẫn của y học như vậy sẽ góp phần tích cực để TP HCM kiểm soát được dịch, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Bình luận (0)