Sáng 22-4, lần đầu tiên, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh với 715 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành cho đến tận tuyến huyện. Gần 12.000 cán bộ y tế đã cùng bàn về đổi mới toàn diện công tác y tế.
Niềm nở, chu đáo
Đại diện các bệnh viện (BV) đã trình bày nhiều phương pháp hiệu quả để cải thiện phong cách phục vụ bệnh nhân. BV Đại học Y Dược TP HCM đưa ra mô hình đội sinh viên y khoa tình nguyện hướng dẫn người bệnh, hạn chế nhiều phiền hà và tăng thêm sự hài lòng cho người đến khám. BV Lao phổi Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) đặt 20 thùng thư góp ý khắp BV, mỗi tuần mở thùng thư 1 lần rồi tùy nội dung phản ánh mà xử lý...
Ghi nhận những cách làm hay của các BV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định đổi mới phong cách phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh không phải là phong trào, phát động cho có mà là nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện trong toàn ngành. Ngành y tế đã từng bước nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải cách hành chính và bây giờ phải là tinh thần, thái độ.
Thừa nhận còn một bộ phận cán bộ y tế có thái độ chưa đúng đắn với bệnh nhân, thiếu đạo đức nghề nghiệp, bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải cương quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu làm rầu nồi canh”. Chỉ một vài người có tinh thần, thái độ không đúng nhưng làm mất niềm tin, ảnh hưởng hình ảnh của hơn 400.000 cán bộ y tế”. Ngoài ra, bộ trưởng yêu cầu các BV hướng tới phong cách phục vụ niềm nở, chu đáo như… tiêu chuẩn phục vụ của ngành hàng không.
Theo Bộ Y tế, trong số gần 3.500 cuộc gọi tới đường dây nóng trong 3 tháng đầu năm thì có hơn 20% các cuộc gọi phản ánh về thái độ và tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ đối với người bệnh. Đa số các cuộc gọi đã nêu những tiêu cực trong BV như vòi vĩnh, hối lộ và tham nhũng... Trước thực trạng này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bộ quyết tâm đổi mới nhận thức của đội ngũ nhân viên y tế chuyển từ “ban ơn” cho người bệnh sang phục vụ, lấy người bệnh làm trung tâm và sự hài lòng của người bệnh là số một.
Thay đổi trang phục của nhân viên y tế
Cùng với việc cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ người bệnh, giữa tháng 5-2015, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư Quy định về trang phục y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo PGS Lương Ngọc Khuê, vẫn có một số nhân viên y tế ăn mặc chưa nghiêm túc dẫn tới hình ảnh người thầy thuốc còn thiếu chuyên nghiệp, tác phong luộm thuộm. Do đó, tới đây sẽ thay đổi trang phục của nhân viên theo hướng phân chia màu sắc để người bệnh phân biệt vị trí công việc. Áo blouse trắng của bác sĩ dự kiến sẽ được giữ nguyên trong dự thảo thông tư. Tuy nhiên, một số bộ phận khác như: điều dưỡng, hộ lý, y tá, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính… sẽ được thiết kế những trang phục và màu áo phù hợp để giúp người dân khi vào khám, chữa bệnh dễ quan sát, giao dịch.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho rằng hình ảnh áo trắng đã khá quen thuộc với mọi người nhưng trong môi trường mà bệnh nhi là chủ yếu thì việc thay đổi trang phục của điều dưỡng với màu sắc và họa tiết nhẹ nhàng sẽ giúp bệnh nhi bớt sợ hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc thay đổi trang phục không chỉ tạo ra phong cách, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc mà còn giúp người bệnh cảm giác yên tâm. Bên cạnh đó, sự khác biệt về trang phục cũng tạo điều kiện cho người bệnh phân biệt rõ đâu là bác sĩ, điều dưỡng để khi có sự việc xảy ra không đánh đồng trách nhiệm cho bác sĩ.
PGS-TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai:
Mời chuyên gia tâm lý tập huấn cho cán bộ y tế
Quá tải BV đã tạo áp lực cho cán bộ y tế. Mặt khác, người nhà bệnh nhân vì quá lo lắng nên có thái độ thiếu công bằng với thầy thuốc. Tới đây, BV sẽ mời chuyên gia tâm lý tập huấn cho nhân viên y tế, trang bị cho họ kiến thức tâm lý để có thái độ ứng xử đúng đắn, biết cách chia sẻ có tình, có lý cho cả người bệnh và người nhà bệnh nhân.
PGS-TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi trung ương:
Cần thiết thay đổi phong cách phục vụ
Thay đổi phong cách phục vụ của nhân viên y tế chính là yếu tố sống còn của BV vì mỗi BV đều hướng đến tiêu chí nâng cao chất lượng mà chất lượng ở đây không chỉ gói gọn trong một cuộc khám bệnh và điều trị mà còn là cơ sở vật chất, con người, môi trường, cảnh quan. Tuy nhiên, mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 3.000-3.500 lượt bệnh nhân khiến các bác sĩ đôi khi cũng phải làm việc như một cái máy.
PGS-TS Trần Quyết Tiến - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy:
Chia sẻ khó khăn với y bác sĩ
BV đã mở các lớp huấn luyện kỹ năng giao tiếp cho toàn BV, đặc biệt các khu vực khoa khám, cấp cứu, dược; xây dựng chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy trình chuẩn cho các phòng khám, tiếp dân, bán thuốc, cấp cứu. BV luôn coi quy tắc ứng xử quyết định cho văn hóa, văn minh BV. Đây cũng là cơ sở, tiêu chí đánh giá thi đua hằng tháng, quý, năm. Tuy nhiên, xã hội cần đồng cảm, nhìn nhận sòng phẳng, chia sẻ sự hy sinh thầm lặng của những người làm công tác y tế.
Có những bộ phận làm việc vô cùng nặng nhọc như cấp cứu, điều dưỡng… nhưng thù lao chưa tương xứng. Mà khi đời sống của họ chưa ổn định, công việc sẽ ảnh hưởng, khó kiên nhẫn để ứng xử làm sao cho người khác hài lòng.
Bình luận (0)