Như bao phụ nữ khác, chị Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) sinh ra với sức khỏe bình thường, có chút nhan sắc, đã lập gia đình và mang thai chuẩn bị sinh con đầu lòng. Vào khoảng tháng 6, cảm thấy da mặt bị ngứa, chị ra tiệm thuốc mua 4 hộp thuốc thoa mặt theo lời tư vấn của người bán. Sau khi bôi, chị Ri có cảm giác bớt ngứa tức thời nên tiếp tục sử dụng.
Cô gái trở thành bà già
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, khuôn mặt chị Ri biến dạng hoàn toàn, da mặt ngày càng dày cứng, u nhô từng cục. Không ai tin từ một phụ nữ 29 tuổi, chị bỗng thay đổi khác thường, trông chẳng khác gì ở tuổi 70. Biến dạng đến nỗi ngay cả chồng chị cũng không tin đây là vợ mình. Mặc cảm với hàng xóm, chị Ri tự nhốt mình trong nhà và cũng không nghĩ đến việc đi điều trị vì không có tiền. “Lúc đó tôi buồn lắm, thể chất và tinh thần ngày càng sa sút” - chị Ri tâm sự.
Một trường hợp khác là Nguyễn Tuấn Anh (19 tuổi, sinh viên năm thứ nhất của một trường ĐH tại TP HCM). Là thanh niên mới lớn, sinh lý biến đổi khiến khuôn mặt Tuấn Anh nổi nhiều mụn. Cảm thấy kém tự tin khi giao tiếp, Tuấn Anh tự mua thuốc xức mụn về thoa. Thế nhưng càng thoa thuốc, khuôn mặt chẳng những không bớt mụn mà càng trở nên sần sùi, chỗ lồi chỗ lõm. “Nhìn bộ dạng này, ngay cả gia đình cũng nghĩ em bị mắc bệnh xã hội, bạn bè xa lánh, mặc cảm vô cùng, chỉ muốn bỏ học cho xong” - Tuấn Anh thổ lộ.
Theo BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh - nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, chuyên gia đào tạo chuyên ngành thẩm mỹ - 2 trường hợp bị biến chứng khuôn mặt nói trên là hậu quả của việc sử dụng corticoid. Đây chỉ là trường hợp điển hình trong nhiều ca bệnh bị biến chứng do corticoid mà bà đã can thiệp, điều trị thành công. Riêng chị Ri, đích thân BS Cẩm Anh đến tận nhà ở Bạc Liêu để tìm hiểu, thăm khám, tư vấn các phương pháp trị liệu và qua 8 tuần điều trị, chị đã phục hồi 70% đường nét trên gương mặt, giúp chị có thể tự tin tiếp xúc với mọi người.
Hiểm nguy rình rập
Theo các chuyên gia, ngày nay rất nhiều người có thói quen tự mua thuốc uống khi bị dị ứng, chàm. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm làm trắng, làm đẹp hay các loại kem tự chế để trị nám, trị mụn nhanh… cũng được nhiều người chọn dùng. Các cơ sở y tế, bệnh viện có khoa da liễu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý dùng thuốc mà hầu hết các loại thuốc, mỹ phẩm họ dùng đều có chứa corticoid ở nhiều mức độ khác nhau. Theo ông Đỗ Hữu Đức, chuyên gia về thẩm mỹ Mỹ, điều đáng báo động hiện nay là corticoid được dùng phổ biến (trộn, bôi, thoa) trong dịch vụ tắm trắng tại nhiều nước ở châu Á. Đây là dịch vụ toàn thân, nhiễm corticoid lâu dài là hiểm họa khôn lường cho sức khỏe con người.
BS Cẩm Anh cho biết corticoid là một chất chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa các loại viêm…, được dùng ở dạng uống, tiêm hay bôi trên da. Corticoid dùng lâu dài thường gây nhiều biến chứng như giảm khả năng miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng cơ thể hay từng vùng nếu bôi lên da; làm rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như đái tháo đường, cao huyết áp, đặc biệt là hội chứng nghiện corticoid.
Có tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh nhưng corticoid chỉ trị phần ngọn chứ không trị gốc. Ngoài ra, corticoid còn làm da mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Những tác dụng trên khiến người dùng rất thích và nhầm tưởng là sản phẩm tốt nhưng khi ngưng dùng thuốc thì da trở về tình trạng cũ, thậm chí còn xấu hơn.
Đừng vướng vào cái bẫy ngọt ngào!
Corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế. Chính vì vậy, sử dụng corticoid cần phải có sự chỉ định của bác sĩ và người bệnh không được tự ý mua thuốc dùng, càng không được lạm dụng. Nếu đã bị biến chứng do corticoid thì hậu quả rất nặng nề. Việc điều trị thường kéo dài từ 1-3 tháng, nhiều trường hợp kéo dài 6 tháng đến 1 năm để “cai nghiện corticoid”, đòi hỏi người bệnh phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ. “Corticoid là độc dược ẩn trong cái vỏ bóng bẩy của mỹ phẩm. Do đó, người dân cần sáng suốt đừng vướng vào cái bẫy ngọt ngào này” - BS Cẩm Anh lưu ý.
Corticoid làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm, thậm chí làm mất hẳn khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo da, mỏng da, da chảy nhão.
Bình luận (0)