Những ngày vừa qua, tại khu vực miền Tây đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do ăn nhầm con so biển (trông giống con sam). Dù hồi chuông cảnh báo ngộ độc chết người do ăn nhầm này đã gióng lên từ lâu nhưng nhiều người vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân.
Chết trên bàn nhậu
Vụ ngộ độc mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận cứu chữa là 2 chị em ruột: N.M.K.N (10 tuổi) và N.S.N.P (4 tuổi) ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Trước đó, 2 bé cùng 3 người lớn trong gia đình ăn con so nhưng người nhà nghĩ là con sam biển. Khoảng 30 phút sau, cả 5 người ăn đều đau bụng, nôn ói và được đưa tới BV Bến Tre cấp cứu. Qua thăm khám bước đầu, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp ngộ độc do ăn so biển.
Sau khi được rửa dạ dày, uống than hoạt, N. và P. được chuyển lên BV Nhi Đồng 1 tiếp tục cấp cứu. Rất may sau đó, sức khỏe 2 bé ổn định dần do lượng độc tố vào cơ thể không nhiều.
Cùng thời điểm này, tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, một nhóm 4 người đàn ông cùng gia đình cũng trải qua một phen nhớ đời do ngộ độc “đặc sản”. Bốn người rơi vào hoàn cảnh này gồm: N.V.T (29 tuổi), H.V.H (29 tuổi), Đ.Q.Q (30 tuổi) và H.T.P (60 tuổi).
Theo người nhà nạn nhân, trước đó, họ được một người quen ở huyện Cần Giờ, TP HCM gửi tặng hải sản và nói là sam biển. Lâu ngày có được “mồi bén”, cả nhóm nhanh chóng “bày trận”. Cuộc nhậu vừa tan chừng 30 phút thì các anh T., H., Q. có cảm giác người lâng lâng, bồng bềnh, sau đó thì tê lưỡi, tê miệng rồi tê tay chân, chóng mặt, đi đứng loạng choạng, mất tự chủ. Khoảng vài giờ sau, đến lượt ông P. có những biểu hiện tương tự.
Nhận thấy những dấu hiệu bất thường chưa từng gặp, gia đình lập tức chuyển các nạn nhân đến cơ sở y tế địa phương để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán họ bị ngộ độc thức ăn và tiến hành gây nôn để loại bỏ chất độc tồn dư.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân sau đó có dấu hiệu xấu dần, tay chân yếu, người mềm nhũn, không vận động được, khó thở, không nói được… Cơ sở y tế địa phương đã chuyển cả 4 người đến BV Chợ Rẫy. Tại đây, sau khoảng 6 giờ xử lý gây nôn, truyền dịch..., các bệnh nhân qua cơn nguy kịch, bắt đầu có dấu hiệu ổn định, nói rõ, dễ thở hơn nhưng vẫn còn tê tứ chi, đi đứng loạng choạng. Ba ngày sau, sức khỏe họ khá hơn, đi lại được, sinh hiệu ổn định…
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết cả 4 người khi chuyển đến BV đều khó thở, người mềm nhũn, không đi đứng được. May là họ đến BV sớm, nếu không thì tình trạng sẽ rất nguy hiểm.
Theo TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, con so và sam nhìn bề ngoài rất giống nhau, khó phân biệt. Các trường hợp ngộ độc phần lớn do cố tình ăn so, một số người khác thì nhầm là sam biển. Có trường hợp đã chết ngay tại bàn nhậu.
Chưa có thuốc giải
Theo các bác sĩ, tình trạng ngộ độc do ăn so biển đã xuất hiện từ lâu, trong đó không ít người đã tử vong. Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ cho biết trong so biển có độc tố tetrodotoxin với đặc trưng là bền với nhiệt nên quá trình chế biến thường khó loại trừ. Tetrodotoxin thường tập trung ở da, gan, trứng; còn trong thịt thì chứa rất ít hoặc không có. Một số loài hải sản khác như cá nóc, mực đốm xanh... cũng có độc tố này.
Các chuyên gia cho biết khoảng 30 phút đến 2 giờ sau khi ngộ độc tetrodotoxin, nạn nhân sẽ có cảm giác tê ở môi và đầu lưỡi, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và tử vong nếu không được đưa đến BV kịp thời.
Theo bác sĩ Trần Văn Cường, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1, tetrodotoxin có trong con so là một độc tố thần kinh mạnh, chỉ với liều lượng thấp cũng có thể gây liệt cơ hô hấp, làm ngưng thở rồi tử vong nhanh. Hiện chưa có thuốc giải loại độc tố này.
Giới chuyên môn lưu ý người dân tuyệt đối không được dùng con so biển như một loại thực phẩm. Cần chú ý phân biệt kỹ giữa con sam và con so để tránh bị ngộ độc. Sam biển thì đuôi có gờ mặt lưng, hình tam giác, chúng sống từng cặp. Sam trưởng thành nặng 1,5 - 2 kg, được khai thác, sử dụng làm thực phẩm và không gây ngộ độc. Còn so biển thì sống ở ven bờ, nơi các lạch nước ngọt, có hình dáng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn, không có gờ mặt lưng và không di chuyển thành từng cặp. Kích thước tối đa của so biển là 25 cm, trọng lượng dưới 1 kg.
Con so dễ nhầm là sam biển
- Năm 2015: Năm người đàn ông tại Sóc Trăng cùng nướng con so (do nhầm là sam) bắt được trong lúc tát đìa để nhậu. Hậu quả là 1 người chết, 4 người phải cấp cứu.
- Năm 2013: Một người đàn ông ngụ quận 8, TP HCM nhận quà là 2 con sam biển từ Phú Quốc gửi vào. Một trong 2 con này là so biển nhưng ông không biết. Nướng 1 con ăn, khoảng 30 phút sau thì ông thấy buồn nôn, nôn, khó thở, ngưng thở. Ông được đưa đi cấp cứu nhưng tới BV thì đã hôn mê, suy đa phủ tạng và tử vong sau đó 2 ngày.
Bình luận (0)