“Hiến tạng là làm việc thiện nhưng làm sao biết số tạng này được sử dụng đúng mục đích cứu người hay không? Câu hỏi hơi gai góc nhưng chúng tôi vẫn kiên trì giải thích nên cuối cùng họ cũng đồng ý cho tạng của người thân”. TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, đã kể lại như vậy sau trường hợp lấy đa tạng của một người chết não để ghép cho nhiều người mới đây.
Vui vì nhận thức thay đổi
Đó là câu chuyện của 2 người đàn ông tuổi ngoài 50, một người bị tai biến, một người bị tai nạn giao thông, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa trong thời gian dài nhưng tiên lượng khó qua khỏi. Lúc đó, trong danh sách bệnh nhân đang chờ nguồn tạng ghép tại BV Chờ Rẫy, nhiều người có các chỉ số phù hợp với 2 người đàn ông nói trên. Tuy nhiên, chỉ 1 trong 2 người chết não này tự nguyện hiến tạng; người còn lại gia đình vẫn hoài nghi nên chưa chấp thuận.
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu - “nhà điều phối” hoạt động ghép tạng - đã phải dành thời gian thuyết phục thân nhân người bệnh về ý nghĩa nhân văn và y học của việc hiến tặng nguồn tạng. Sau nhiều ngày đắn đo, cuối cùng thân nhân người bệnh đã đồng ý.
Nhận được tín hiệu từ vị nữ “nhạc trưởng”, đồng loạt các khoa: Gan - Mật - Tụy, Ngoại tiết niệu, Mắt của BV lập tức triển khai công việc. TS-BS Ngọc Thu cho biết trong 2 trường hợp trên, trường hợp chết não do tai biến bị viêm gan siêu vi B, các bác sĩ chỉ lấy được 2 quả thận. Riêng trường hợp chết não do tai nạn giao thông lấy được đa tạng nhưng do thở máy kéo dài hơn 2 tuần nên phổi rất xấu, chỉ lấy được 2 giác mạc, 2 quả thận và 1 lá gan. Như vậy, từ nguồn tạng của 2 trường hợp nói trên, các bác sĩ đã ghép cho 7 người, trong đó 4 người nhận thận, 2 người nhận giác mạc và 1 người nhận gan.
Kể lại quy trình vận động xin tạng nói trên, BS Thu thoáng bùi ngùi: “Lúc ấy, khi nghe người thân của một nạn nhân chết não hỏi “các BS lấy tạng của người thân họ để làm từ thiện hay bán?”, tôi hơi bị sốc, sau đó phải giải thích cặn kẽ từng quy trình, đồng thời bảo đảm với họ là không thể nào có việc làm khuất tất này.
Mất cả buổi nhưng người nhà vẫn chưa thuận tình và nói sẽ về nhà bàn tính lại. Đến ngày thứ ba, họ mới đồng ý. Từ câu chuyện này, tôi cảm nhận được người dân tuy vẫn còn băn khoăn nhưng đã bắt đầu suy nghĩ theo hướng tích cực hơn về vấn đề hiến mô tạng. Đây là tín hiệu đáng mừng”.
Theo giới chuyên môn, số lượng người tự nguyện đăng ký hiến tạng nhân đạo tuy còn rất ít nhưng tăng dần, cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngưng 20 năm mới ghép giác mạc lại
Cùng trong thời gian ghép tạng từ những người cho chết não trên, BV Chợ Rẫy cũng thực hiện ghép gan từ người cho còn sống. Người hiến là một sinh viên, người nhận là cha ruột, 51 tuổi, đang bị xơ gan giai đoạn cuối. Với sự hỗ trợ chuyên môn từ chuyên gia ghép tạng Hàn Quốc, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã lấy 70% thể tích gan của người con ghép cho cha. Đến nay, sức khỏe người con đã hồi phục và được xuất viện, chức năng gan của người cha hoạt động tốt.
Theo TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó Khoa Gan - Mật - Tụy BV Chợ Rẫy, đối với người suy tạng, đặc biệt là suy gan, giá trị nguồn tạng hiến không có gì sánh bằng. Về vấn đề nhiều người có ý định hiến gan nhưng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, BS Chí cho rằng khoa học đã chứng minh đối với người cho, sau 1 năm, gan sẽ tái sinh 80%-90%.
Trong khi đó, BS Ngô Văn Hồng, Trưởng Khoa Mắt BV Chợ Rẫy, không giấu được niềm vui với 2 ca ghép giác mạc đầu tiên: “Sau 20 năm tạm ngưng ghép giác mạc vì thiếu nguồn hiến tặng, giờ đây chúng tôi tự tin với kỹ thuật này vì đã chuẩn bị đầy đủ về phương tiện và năng lực. Các năm trước, phần lớn những người sống hay chết não đều hiến tạng chứ không hiến giác mạc”.
Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, ngoài BV Chợ Rẫy, sắp tới đây, mỗi BV trên địa bàn TP nếu đủ năng lực sẽ thành lập đơn vị thu dung, lưu giữ nguồn tạng hiến; xa hơn nữa, sẽ thành lập đơn vị ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. “Nếu được như vậy, nguồn tạng cứu người sẽ ngày càng nhiều và được sử dụng chủ động hơn” - bà Thu hy vọng.
Đến hết năm 2015, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 1.300 đơn xin hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời từ cả nước.
Bình luận (0)