xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểu đúng để chống đau mắt đỏ, sốt xuất huyết

HẢI YẾN - NGUYỄN THẠNH

Không tự mua thuốc trị đau mắt đỏ và truyền dịch khi mắc sốt xuất huyết là 2 lưu ý quan trọng để bệnh không diễn tiến nặng, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng

Trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết và đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng tại TP HCM cũng như nhiều địa phương khác, chiều 22-9, Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Phòng và trị đau mắt đỏ, sốt xuất huyết". Các chuyên gia là khách mời tham gia buổi trực tuyến đã trả lời hàng trăm câu hỏi của bạn đọc liên quan tình hình bệnh, cách điều trị cũng như phòng tránh 2 dịch bệnh trên. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu là đơn vị đồng hành của buổi giao lưu.

Virus gây đau mắt đỏ ở TP HCM thuộc thể nhẹ

Tại buổi giao lưu, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Khoa Mắt - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), thông tin hiện nay, bệnh đau mắt đỏ được xác định chủ yếu do virus. Cơ chế lây bệnh của tác nhân này thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở mắt của người bệnh (ghèn, nước mắt), nếu có viêm hô hấp kèm theo có thể lây nhiễm qua giọt bắn (hắt hơi, sổ mũi, đàm nhớt...).

Để tránh tình trạng bệnh lây lan, người bệnh nên tự cách ly, hạn chế đến những nơi đông người như hồ bơi, khu vui chơi trẻ em... Người bệnh nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, không dụi tay vào mắt; không dùng khăn chung với các thành viên khác trong gia đình; sử dụng bông gòn tiệt trùng để lau mắt.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên vệ sinh đồ đùng cá nhân, đồ chơi, mền, gối của trẻ em. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện các phương pháp dân gian như lấy nước tiểu rửa ghèn vào sáng sớm. Đây là hành động phản khoa học. "Chúng ta chỉ nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý - vừa an toàn vừa bảo đảm tiệt trùng và không gây bội nhiễm cho người sử dụng" - bác sĩ Ngọc Anh lưu ý.

Hiểu đúng để chống đau mắt đỏ, sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Các bác sĩ, chuyên gia trao đổi tại buổi tư vấn trực tuyến “Phòng và trị đau mắt đỏ, sốt xuất huyết” Ảnh: TẤN THẠNH

Trước thắc mắc rằng đau mắt đỏ có tự khỏi không, bác sĩ chuyên khoa II Lâm Minh Vinh, Phó Trưởng khoa phụ trách điều hành Khoa Giác mạc - Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết tùy loại virus gây bệnh mà mức độ viêm và biểu hiện lâm sàng khác nhau. Hiện nay, qua khảo sát ở TP HCM cho thấy chủng virus gây đợt dịch đau mắt đỏ nhẹ, thời gian khỏi bệnh ngắn và ít tổn thương trên giác mạc hơn so với các đợt dịch trước.

"Sau 2 tuần, bệnh đau mắt đỏ tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có triệu chứng ngứa, sưng cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đặc biệt, nếu giảm thị lực sau khi mắc bệnh đau mắt đỏ thì nên đi khám để kiểm tra giác mạc. Nếu chỉ giảm thị lực nhẹ thì có thể nhỏ nước mắt nhân tạo" - bác sĩ Vinh tư vấn.

Không tùy tiện dùng kháng sinh

Bác sĩ Lâm Minh Vinh nhấn mạnh nguyên tắc khi được chẩn đoán mắc bệnh đau mắt đỏ thì không nên dùng thuốc có chứa corticoid (như tobradex, dexacol...), trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì có thể làm cho bệnh kéo dài và biến chứng.

Phân tích thêm, PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng, cố vấn Hội đồng Chuyên môn Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu, cho biết theo khuyến cáo của Hội Nhãn khoa Mỹ, kháng sinh chỉ được chỉ định khi xác định được nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn.

"Đối với nước muối sinh lý, thông thường có thể dùng làm dịu mắt đỏ và loại trừ những tác nhân ngoại lai (bụi, bẩn...) bám vào mắt. Tuyệt đối không dùng những loại nước muối sinh lý khác như nước muối sinh lý dùng để súc miệng. Đặc biệt, không tự ý pha nước muối để rửa mắt vì không bảo đảm độ vô trùng, tinh khiết và không bảo đảm áp suất thẩm thấu tương đương với áp suất thẩm thấu của niêm mạc mắt, làm cho mắt bị xốn nhiều hơn" - PGS Dũng khuyến cáo.

Về việc có nên tự mua thuốc nhỏ mắt để trị đau mắt đỏ như Tobidex, Tabrex, PGS Dũng cho rằng điều này không nên. Lý do là vì trong thuốc này có 2 thành phần phải được kê đơn gồm kháng sinh và corticoid. Nếu sử dụng không đúng, có thể dẫn đến lờn thuốc (đề kháng kháng sinh) làm cho thuốc mất hiệu lực trong những lần tiếp theo với bản thân người sử dụng và trong cộng đồng. Đặc biệt, với thuốc chứa corticoid, nếu dùng trong trường hợp nhiễm virus có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn vì thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ phát triển của virus ra môi trường xung quanh.

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi

Bệnh sốt xuất huyết cũng được nhiều bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi. Liên quan vấn đề mắc bệnh sốt xuất huyết có nên truyền nước không, ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cảnh báo tuyệt đối không truyền dịch khi mắc sốt xuất huyết vì nguy cơ gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng dẫn đến suy hô hấp, khó thở. "Đặc biệt, truyền nước ở trẻ em cực kỳ nguy hiểm" - bác sĩ Qui nói.

Để phân biệt sốt siêu vi với sốt xuất huyết khi trẻ đi học, bác sĩ Qui cho biết nếu có triệu chứng sốt kéo dài từ 2-3 ngày liên tục, cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm máu. Dựa vào kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp chẩn đoán trẻ có mắc sốt xuất huyết hay không. Tuy nhiên, nếu những khu vực nào không có xét nghiệm máu, cha mẹ lưu ý các đặc điểm sau:

Với sốt siêu vi, trẻ sẽ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày. Giữa các cữ sốt, trẻ sẽ chơi và sau khi hết hẳn sốt, trẻ sẽ sinh hoạt, ăn uống bình thường.

Đối với sốt xuất huyết, trẻ sẽ sốt từ 3-4 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm. Nhưng khi hết sốt, trẻ sẽ mệt hơn, ăn uống kém, có thể có đau bụng, nôn ói, xuất huyết dưới da.

Nguyên tắc phòng sốt xuất huyết: Không để muỗi chích

Theo bác sĩ Qui, nếu trẻ bị sốt xuất huyết, nhà trường nên cân nhắc việc vệ sinh muỗi, kiểm tra lại những khu vực có phát sinh loăng quăng để bảo đảm không có yếu tố nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết tại trường.

Bác sĩ Qui cũng cho biết sốt xuất huyết diễn ra quanh năm, thường bùng phát vào mùa mưa. Nếu môi trường xung quanh có quá nhiều muỗi, không thể diệt thì cần bảo đảm nguyên tắc không để muỗi chích. Bởi việc phân biệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét hay viêm não Nhật Bản rất khó.

Trước các thắc mắc về việc phun hóa chất diệt muỗi, ThS-BS Đinh Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Truyền thông, giáo dục, sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết ngành y tế tổ chức phun khi xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết. Trước khi tiến hành phun, đội phun căn cứ vào bản đồ của khu vực, đường đi để phân chia phù hợp với hướng gió và khoảng cách. Thông báo trước cho dân cư khu vực biết thời gian phun để che đậy thức ăn, nước uống và di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn, tắt lửa... "Người dân cần hợp tác, mở cửa để đội phun vào nhà thực hiện nhiệm vụ và chỉ vào nhà sau khi phun hóa chất ít nhất 60 phút" - bác sĩ Yến nói. 

Phòng đau mắt đỏ lây lan trong học đường

Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến cho biết HCDC đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục về tăng cường phòng chống đau mắt đỏ do virus trong nhà trường.

Cụ thể, với học sinh mầm non, nhà trẻ, nhà trường cần tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng bệnh. Khi phát hiện học sinh, người lao động mắc các triệu chứng nghi đau mắt đỏ thì hướng dẫn đến khám tại các cơ sở y tế. Các trường hợp được chẩn đoán là đau mắt đỏ phải nghỉ học, nghỉ làm và hạn chế tiếp xúc theo chỉ định của bác sĩ hoặc đến khi hết các triệu chứng để tránh lây lan cho người khác.

Cần bảo đảm đầy đủ nước và xà phòng để học sinh, người lao động rửa tay thường xuyên, hạn chế lây lan. Song song đó, thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh thường quy, tăng tần suất làm vệ sinh khi phát hiện ca bệnh trong trường. Với các lớp học bán trú, không cho học sinh sử dụng chung ly nước, khăn lau, mền gối...

Khó tránh tái nhiễm sốt xuất huyết

Bạn đọc hỏi: Từ nhỏ đến giờ, tôi đã bị sốt xuất huyết tổng cộng 4 lần. Tôi nghe nói có 4 chủng sốt xuất huyết. Vậy tôi có khả năng tái nhiễm nữa không? Sốt xuất huyết có vắc-xin phòng ngừa không?

Bác sĩ NGUYỄN ĐÌNH QUI: Bạn vẫn có khả năng sẽ bị sốt xuất huyết trở lại vì kháng thể tồn tại trong cơ thể không vĩnh viễn. Do vậy, sau khi bị sốt xuất huyết do một chủng virus này vẫn có thể bị mắc lại cũng của chính chủng này sau một thời gian.

Bác sĩ ĐINH THỊ HẢI YẾN: Vắc-xin phòng sốt xuất huyết đã có trên thế giới và đang chờ Bộ Y tế cấp phép để được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo