Phóng viên: Ông nhận định thế nào về sự phát triển vượt bậc số người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua?
Ông Đào Việt Ánh: BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người dân phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Năm 2017 - trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200.000 người.
Từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28- toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Và đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra.
Theo ông, điều quan trọng làm nên thành công trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là gì?
Từ những kết quả tích cực trên có thể thấy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam. Có thể kể đến vai trò quan trọng của công tác truyền thông chính sách BHXH, đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.
Xác định công tác truyền thông là "chìa khóa" để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH. Theo đó, bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.
Truyền thông về BHXH, BHYT tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình
Về nội dung truyền thông đã được đổi mới rõ nét khi chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện sang nội dung truyền thông ngắn gọn, xúc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ;…. Về hình thức, phương thức truyền thông đã vận dụng linh hoạt, đa dạng theo từng thời điểm, bối cảnh dịch như các hình thức truyền thông qua báo chí; truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp qua các hội nghị tư vấn, các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ,…
Công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, người lao động. Khi người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Dịch COIVD-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, vậy BHXH Việt Nam làm thế nào để tiếp cận và tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT cho người dân?
Chúng tôi đã có nhiều bước đột phá, sự thay đổi linh hoạt, sáng tạo để truyền thông đến người dân dù dịch bệnh COVID-19 ngăn cách. Thứ nhất, đổi mới về nội dung truyền thông. Căn cứ vào từng nội dung truyền thông cụ thể để chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến (trích dẫn các văn bản) sang nội dung truyền thông ngắn gọn, xúc tích (xây dựng các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ).
Bên cạnh nội dung phổ biến kiến thức, chế độ BHXH, BHYT, đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chế độ BHXH, BHYT, đặc biệt là chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tăng cường truyền thông về các gương người tốt, việc tốt, sáng kiến hay, hữu ích trong thụ hưởng và thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Thứ hai, đổi mới về thời điểm truyền thông. Trong giai đoạn này, ngành BHXH Việt Nam tập trung đẩy mạnh truyền thông trước - trong - sau sự kiện/sự việc/chiến dịch truyền thông. Trước đây, chưa quan tâm đúng mức đến truyền thông trước sự kiện/sự việc để định hướng dư luận, cũng như truyền thông sau sự kiện/sự việc để thông tin về kết quả, ý nghĩa, sự lan tỏa của sự kiện/sự việc/chiến dịch truyền thông.
Thứ ba, đổi mới về hình thức, kênh truyền thông: Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, ngành đã chủ động trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại.
Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của ngành được phát huy tối đa và hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động phức tạp trên toàn quốc, các hoạt động truyền thông trực tiếp phải hạn chế, giảm thiểu.
Đáng chú ý, năm 2020, trong bối cảnh công tác phát triển người tham gia của Ngành còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, việc ngành BHXH Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thành công 2 Lễ ra quân toàn quốc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc linh hoạt các giải pháp truyền thông phát triển người tham gia của ngành.
Bình luận (0)