Chiều thứ bảy, 12-6, hình ảnh BS-TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kéo valy vào chính bệnh viện mình để chống dịch, khi có đến 53 nhân viên của bệnh viện nghi nhiễm SARS-CoV-2, làm nhiều người xúc động.
Một bệnh viện tuyến đầu phòng chống Covid-19, một bệnh viện đang chuyển công năng từ chuyên các bệnh nhiệt đới thành bệnh viện chuyên điều trị các ca Covid-19 nặng, đang bị tấn công!
Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ về nhiều góc độ trong cuộc đối đầu quyết liệt giữa con người với những con virus SARS-CoV-2 không não nhưng rất nguy hiểm!
Một cuộc chiến rất cam go với đại dịch Covid-19 ngay ở tuyến phòng thủ vững chắc này đang bắt đầu.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là nơi đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 của Anh cho khoảng 900 nhân viên tại đây. Mũi 1 cho các nhân viên bệnh viện này được tiêm từ ngày 8-3-2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4-2021.
Như vậy, về lý thuyết, các nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã được bảo vệ ở một tỉ lệ giới hạn.
Theo thông tin của đơn vị sản xuất vaccine AstraZeneca, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19. Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vaccine đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vaccine tăng lên 81%. Đặc biệt vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.
Chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đồng hành.
Vậy vì sao nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mắc Covid-19?
Nhiều vấn đề đặt ra trong trường hợp lây nhiễm này. Trước hết, có thể nhân viên này chủ quan (nhân viên công nghệ thông tin của bệnh viện cư trú tại chung cư Ehome 3 ở phường An Lạc, quận Bình Tân bị nhiễm SARS-CoV-2, lây lan cho đồng nghiệp), cứ nghĩ rằng mình đã tiêm vắc-xin thì khó lây nhiễm nên lơ là việc tầm soát ở địa phương, và quên rằng dù đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh. Nước Anh có hơn 50% dân số trưởng thành đã tiêm vắc-xin nhưng gần đây dịch Covid-19 đang quay trở lại. Đã tiêm vắc-xin mà không thực hiện tốt "5K" thì việc lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.
TP HCM - số liệu thống kê của Sở Y tế cho thấy mỗi ngày có vài chục ca mắc, như sáng 13-6 lại có thêm 25 ca mắc mới. Đến nay TP HCM đã có 719 bệnh nhân tính từ 27-4. Lo ngại hơn, TP HCM đối diện với khá nhiều ca F0 "lang thang" chưa rõ lây nhiễm từ đâu. Đây chính là mối nguy tiềm ẩn vì có thể sẵn sàng bùng lên chuỗi lây mới bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.
Tất cả cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 ở TP HCM vẫn chưa có dấu hiệu ở đỉnh, để chuẩn bị thoái trào. Đó là lý do TP HCM đã lên kế hoạch ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm Covid-19, lập các đơn vị y tế chuyên điều trị Covid-19.
Cuộc chiến chống dịch ở nước ta nói chung và ở TP HCM nói riêng vẫn đang còn nhiều thách thức cả trong tấn công lẫn phòng thủ. Chùm lây nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là cảnh báo gay gắt và rất thực tế…
Qua 4 đợt dịch, chúng ta có một đội ngũ y tế, các chuyên gia phòng chống dịch giỏi và ngày càng có nhiều kinh nghiệm sẵn sàng đối đầu. Những hình ảnh cảm động của các nhân viên y tế lao ra tuyến đầu chống dịch đã làm lay động trái tim tất cả chúng ta.
Phía sau đó là sức mạnh của toàn dân tộc, ủng hộ tuyệt đối cho công tác phòng chống dịch. Hình ảnh các đơn vị kinh tế, người dân, các thương binh, cụ già, em bé… góp từng đồng cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19, khiến chúng ta tin rằng cuộc chiến chống dịch Covid-19 tuy rất khốc liệt nhưng chiến thắng phải thuộc về chúng ta…
Bình luận (0)