Bệnh nhân Nguyễn Tiến Ph. được phát hiện bị trào ngược thực quản sau thời gian dài bị kho khan
Tại buổi khám, tư vấn và nội soi miễn phí đường tiêu hoá tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) sáng 22-6, ông Nguyễn Tiến Ph. (56 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết hơn 1 năm nay ông bị ho khan kéo dài nhưng chữa mãi không khỏi. Lúc đầu chỉ là những đợt húng hắng ho, sau đó tình trạng này nặng thêm, ông luôn có cảm giác "bứ bứ" ở cổ.
Đi khám, ông Ph. đã được bác sĩ chỉ định uống kháng sinh, nhưng sau 3 đợt điều trị kháng sinh, bệnh vẫn không đỡ, cùng đó tình trạng ho, tức ngực, khó thở nhiều hơn... Nghi ngờ mình bị ung thư phổi, ông Ph. lại đi khám, chụp chiếu, nội soi, lúc này ông được phát hiện mắc bệnh lý trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày.
Bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều khi ho không phải bởi đường hô hấp bị viêm nhiễm mà lại do dạ dày có vấn đề do đang phải chịu đựng những cơn trào ngược. "Ho do trào ngược dạ dày thực quản dù rất thường xảy ra nhưng lại ít khi được quan tâm. Nhiều bệnh nhân được phát hiện trào ngược thực quản cho biết trước đó họ từng gặp bác sĩ nhiều lần, uống nhiều loại thuốc ho, thậm chí cả kháng sinh liều cao nhưng ho vẫn hoàn ho trong một thời gian dài. Do dấu hiệu của bệnh lý này rất nghèo nàn nên đôi khi cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân thường chỉ quan tâm đến bệnh lý của đường hô hấp chứ ít khi chú ý đến bệnh lý của đường tiêu hóa. Chỉ đến khi bệnh nhân kể thường có các dấu hiệu như ợ hơi, ợ chua nóng ran, tức ngực, khó thở và có cảm giác đau rát ở giữa ngực... lúc này nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh lý đường tiêu hoá, bác sĩ mới chỉ định nội soi thực quản, dạ dày"- bác sĩ Khánh nói.
Theo bác sĩ Khánh, trào ngược dạ dày có thể do căng thẳng, thói quen ăn uống sinh hoạt không khoa học, do viêm loét dạ dày… gây tăng tiết axit dịch vị kích thích trào ngược. Bệnh lý này cũng gặp khá nhiều ở nhóm đối tượng làm việc văn phòng (công sở), môi trường làm việc, học tập căng thẳng, áp lực.
Nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày
Tiến sĩ-bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, cho biết tỉ lệ bệnh nhân đến khám vì rối loạn chức năng đường tiêu hóa gia tăng nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp liên quan đến bệnh lý thực quản, dạ dày, đại tràng, trong đó nhiều bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày.
Đa phần bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng về đường tiêu hoá như: Ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, ách tức dạ dày, đầy hơi, nôn ra máu, có máu trong phân...
Hầu hết bệnh nhân đều ở độ tuổi lao động. Trong số này, tỉ lệ người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) cũng khá cao. Theo thống kê chung tại Việt Nam, khoảng 60-70% người dân trong cộng đồng có HP. "Ngay trong buổi sáng 22-6, khi thăm khám, chúng tôi cũng tiếp nhận 3 bệnh nhi từ 4-10 tuổi bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP. Việc trẻ nhỏ nhiễm HP có thể do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống hoặc hệ miễn dịch kém.... Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là cần điều trị, và không phải nhiễm HP là đều bị ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị"- bác sĩ Hiền lưu ý.
Từ thực tế khám và điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hoá, bác sĩ Hiền cũng khuyến cáo nếu người bệnh từng được chẩn đoán có tình trạng viêm loét dạ dày mãn tính, có loạn sản ruột, loạn sản ở niêm mạc dạ dày... nên định kỳ 6-12 tháng nên đi thăm khám, nội soi để theo dõi và đánh giá diễn tiến của bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp. Người mắc bệnh lý dạ dày cần tránh những đồ ăn uống gây hại niêm mạc dạ dày: Đồ ăn chua cay, thịt hun khói, đồ chiên xào, rượu bia, cà phê, thuốc lá… Tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn. Cùng đó, người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ làm việc hợp lí, tránh các công việc quá sức, căng thẳng thần kinh, hạn chế thức khuya...
Bình luận (0)