Khả năng thụ thai trong thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thấp có thể do tính chất màng trong suốt bị ảnh hưởng bởi quá trình nuôi cấy ở điều kiện nhân tạo. Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng mới được áp dụng ở VN, giúp làm tăng tỉ lệ phôi làm tổ và tỉ lệ có thai khi thực hiện TTTON. Đây tiếp tục là một bước tiến mới của chuyên ngành hỗ trợ sinh sản tại VN.
Có thai sau 6 lần TTTON thất bại
Vừa qua, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Hội Sức khỏe sinh sản TPHCM, đã công bố một trường hợp có thai TTTON với kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng sau 6 lần thất bại. Thai phụ là chị N.M.P, 32 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, bắt đầu được áp dụng điều trị TTTON từ năm 2000. Từ đó đến nay chị đã thực hiện 5 lần TTTON và được chuyển phôi 6 lần, 5 lần phôi tươi và 1 lần phôi trữ lạnh, mỗi lần chuyển từ 4 đến 5 phôi nhưng tất cả những lần này đều thất bại. Vào tháng 5-2008, chị đã được chuyển phôi lần thứ 7 (phôi trữ lạnh) tại Trung tâm IVF Vạn Hạnh TPHCM. Lần này, chị P. được chuyển 3 phôi trữ lạnh còn lại của lần TTTON gần đây nhất (tháng 4-2008).
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng từ trước đến nay có một yếu tố quan trọng thuộc về thành phần của phôi ít được chú ý để làm tăng khả năng thành công của TTTON. Cấu trúc quan trọng đó là lớp vỏ đàn hồi bao xung quanh phôi có tên là màng trong suốt. Màng này được tạo thành bởi một phức hợp các protein do tế bào trứng tiết ra. Vì vậy, lần này các phôi trước khi chuyển vào buồng tử cung chị P. đã được các chuyên viên phôi học thực hiện kỹ thuật hỗ trợ thoát màng. Đây là điều khác biệt so với những lần chuyển phôi trước. Và cuối cùng chị đã thành công, kết quả thử thai dương tính. Kết quả siêu âm thai sau đó cho thấy có một túi thai trong lòng tử cung.
Cũng theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện thành công trên thế giới. Kỹ thuật này có mục đích làm mỏng vỏ bao xung quanh phôi, giúp phôi dễ thoát ra khỏi màng này và bám vào nội mạc tử cung để làm tổ. Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả cho một số trường hợp, trong đó có trường hợp thất bại nhiều lần với TTTON mặc dù phôi tốt, chuyển phôi trữ lạnh... Cho đến nay, Trung tâm IVF Vạn Hạnh đã thực hiện hơn 50 trường hợp hỗ trợ phôi thoát màng.
Cứu tinh của những bệnh nhân lớn tuổi
Có nhiều phương pháp khác nhau đã được nghiên cứu để làm tăng tỉ lệ có thai khi áp dụng TTTON. Trong quá trình thụ tinh bình thường, màng trong suốt giúp bảo đảm chỉ có một tinh trùng thụ tinh với trứng. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự thụ tinh bình thường ở người. Sau khi thụ tinh, màng trong suốt giúp giữ sự liên kết giữa các phôi bào trong quá trình phát triển của phôi. Khi phôi phát triển đến giai đoạn phôi nang (khoảng ngày thứ 5 sau thụ tinh), cấu trúc phôi đã bền vững, không cần sự bảo vệ của màng trong suốt nữa. Lúc này phôi đã ở trong buồng tử cung, có thể bám vào nội mạc tử cung để làm tổ, phôi phải thoát ra khỏi màng trong suốt.
Trong TTTON, phôi được tạo thành và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vài ngày, trước khi chuyển vào buồng tử cung. Sau khi được chuyển vào buồng tử cung, phôi sẽ phát triển thành phôi nang và thoát màng để có thể làm tổ vào nội mạc tử cung. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng khả năng thụ thai trong TTTON thấp có thể do tính chất màng trong suốt bị ảnh hưởng trong quá trình nuôi cấy ở điều kiện nhân tạo. Điều này làm cho phôi khó thoát màng, không bám được vào nội mạc tử cung, dẫn đến khả năng làm tổ của phôi bị giảm.
Bình luận (0)