Theo nghiên cứu của nhóm bác sĩ người Argentina, nhiều nghi vấn cho thấy virus Zika không phải là thủ phạm của dịch teo não mà tác nhân chính là Pyriproxyfen - một loại hóa chất độc hại có trong nguồn nước sinh hoạt tại Brazil.
Uống phải nước chứa hóa chất diệt muỗi?
Trước đó, vào năm 2014, hóa chất này được Brazil bơm vào nguồn nước sinh hoạt để chặn đà sinh sôi của ấu trùng muỗi trong các bồn chứa nước.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hàng ngàn trẻ sơ sinh bị teo não do người mẹ sống ở những khu vực mà chính quyền Brazil đưa Pyriproxyfen vào nước uống. Những trường hợp này chiếm tới 35% tổng số ca trẻ sơ sinh bị teo não tại Brazil. Hiện một bang của Brazil đã tạm ngưng sử dụng chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt.
Trước thông tin trên, Bộ Y tế ngày 15-2 cho biết Việt Nam đã cấp phép cho sử dụng Pyriproxyfen để ngăn ấu trùng muỗi trưởng thành từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam không sử dụng loại hóa chất này trong nước ăn uống như một số quốc gia mà chỉ đưa vào trong nước thải, ở các khu vực hạn chế như công trường xây dựng.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay: “Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm những bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa virus Zika và căn bệnh teo não ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy, chúng tôi sẽ rà soát các thông tin để có biện pháp xử trí phù hợp”.
Theo ông Phu, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh hoặc ca nghi nhiễm virus Zika nào. Tuy nhiên, dịch bệnh do Zika đang tăng trên thế giới, loại virus này đã xuất hiện ở những nước kế bên Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... nên người dân cần chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, Việt Nam đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi truyền Zika nên nguy cơ virus này có thể xâm nhập và lan truyền là rất cao.
Lây lan chóng mặt
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do virus Zika đang gia tăng ở một số nước châu Mỹ Latin và châu Phi. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, số ca nhiễm virus Zika ở Brazil đã tăng thêm gần 900 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus gây chứng bệnh teo não lên 3.900 ca chỉ trong vòng 3 tháng.
Giới chuyên môn cho rằng virus Zika không nguy hiểm với người trưởng thành bởi khi mắc bệnh sẽ có các triệu chứng giống mắc sốt xuất huyết Dengue như: sốt; xuất huyết dưới da, nội tạng; đau mỏi cơ, khớp; đau mắt… nhưng với mức độ nhẹ hơn. Tuy nhiên, đối với thai phụ, virus Zika có thể gây dị tật cho thai nhi với chứng teo não, đầu nhỏ bẩm sinh và kèm theo chậm phát triển trí tuệ, bất thường thần kinh.
Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có phương pháp nào đặc hiệu để điều trị bệnh teo não do virus Zika gây ra, chỉ có thể tác động để kiểm soát khuyết tật thần kinh hoặc vấn đề ngôn ngữ. Trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu, người dân cần nâng cao kiến thức để phòng ngừa. Nếu chưa thấy cần thiết, không nên đi đến các nước đang có dịch bệnh, nhất là thai phụ.
Dịch bệnh khó lường
Bên cạnh mối lo lắng mới về virus Zika, ông Trần Đắc Phu cho biết trong năm 2016, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Đó là sự bùng phát và lan truyền của các bệnh mới nổi mà ngay cả các cường quốc cũng khó có thể ngăn chặn triệt để. Một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng vẫn có thể gia tăng số ca mắc.
Nguyên nhân là sau nhiều năm, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại. Nếu không tiếp tục duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng cần cảnh báo do sự tiếp xúc giữa người với động vật ngày càng gần gũi hơn.
Ông Phu còn lưu ý các bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch cũng có nguy cơ lan rộng do biến đổi khí hậu, tập quán di cư, thói quen, lối sống của người dân... “Dịch bệnh từ quốc gia xa xôi nhất có thể lây lan sang Việt Nam trong vòng 24 giờ và giữa các khu vực trong nước chỉ là vài giờ” - ông Phu lo ngại.
Ca nghi nhiễm Ebola chỉ mắc bệnh lao phổi
Ngày 15-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết ca nghi nhiễm Ebola vừa được bệnh viện tiếp nhận chỉ mắc lao phổi. TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, xác nhận hiện bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị đúng chuyên môn.
Trước đó, ngày 11-2, một nam hành khách 27 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, trở về nước từ châu Phi qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM). Máy đo thân nhiệt tại sân bay phát hiện thân nhiệt người này bất thường.
Kết quả kiểm tra sức khỏe ban đầu ghi nhận hành khách này bị sốt cao với các biểu hiện ho khan, khó thở. Nghi ngờ nhiễm Ebola, anh này đã được chuyển thẳng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, theo dõi, điều trị.
Ng.Thạnh
Bình luận (0)