Sáng 19-9, sau 5 ngày kể từ ca phẫu thuật, bé gái T.P. (11 tuổi, đến từ Ban Mê Thuột) đã ổn định và ăn được cháo. Trước đó, vào cuối tuần qua, bé đã trải qua ca phẫu thuật loại bỏ tuyến thượng thận do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện nhằm điều trị hội chứng Cushing quái ác đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của bé.
Bé T.P. (áo đỏ, ngồi xe lăn) bên cha mẹ và các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong cuộc gặp gỡ báo chí - ảnh: ANH THƯ
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện, cháu bé bắt đầu bị tăng cân nhanh chóng từ cách đây 3 năm, đã từng đi khám và được chẩn đoán là béo phì. Tuy nhiên, mọi phương án giúp bé giảm cân đều vô hiệu. Trong một lần đi uống cà phê với gia đình, bé có nếm chút cà phê và bị mệt nhiều, phải đi khám và dùng thuốc hạ huyết áp vì các bác sĩ phát hiện huyết áp của bé lên rất cao.
Sau đó, gia đình đưa bé vào TP HCM, khám ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Vấn đề thực sự dần được tìm ra sau khi các bác sĩ ở đây hội chẩn và thăm khám với các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Các bác sĩ quyết định chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 để thực hiện ca mổ vì thực hiện phẫu thuật ở một bệnh viện chuyên khoa nhi sẽ có lợi hơn, an toàn hơn cho bệnh nhân mới chỉ 11 tuổi.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Hương, Phó trưởng khoa Thận – nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé nhập viện với các biểu hiện của hội chứng Cushing như béo phì, rậm lông, cao huyết áp. Bé T.P. bị tăng sinh tuyến thượng thận, làm xuất hiện các u ở vùng này, gây hiện tượng rối loạn nội tiết, từ đó ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim, cân nặng… và nhiều chức năng khác của cơ thể.
Ca phẫu thuật đã loại bỏ toàn bộ tuyến thượng thận của bé vì mọi phương pháp khác đều đưa đến nguy cơ tái phát rất cao. Theo Bác sĩ chuyên khoa I Hà Văn Lượng, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức và bác sĩ Đinh Việt Hưng, khoa Ngoại tổng hợp - hai người phụ trách gây mê và bóc tách các khối u cho bé, đây là ca mổ phức tạp, nhiều nguy cơ. Bé có thể bị nguy hiểm vì tăng huyết áp bất cứ lúc nào trong ca mổ, cũng như đột ngột tụt huyết áp khi vừa bóc tách xong. Các bác sĩ phải chuẩn bị kỹ càng cũng như cực kỳ thận trọng trong phẫu thuật.
Theo bác sĩ Trần Thị Hương, sau khi loại bỏ tuyến thượng thận, hội chứng Cushing được giải quyết, nhưng vì thế bé cần được theo dõi suốt đời. Khi bị gặp stress trong cuộc sống bé sẽ bị ói mửa, tụt huyết áp do thiếu một số nội tiết tố mà tuyến thượng thận có nhiệm vụ sản sinh.
Hội chứng Cushing (Cushing's sydrome) được đặt theo tên nhà phẫu thuật thần kinh người Mỹ Harvey Cushing, người đầu tiên đã mô tả về nó năm 1912 trong một quyển sách y khoa do ông biên soạn. Website của Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ (AANS), tiền thân là Tổ chức Harvey Cushing do vị bác sĩ này sáng lập, đã mô tả khá rõ về hội chứng này: thường do một khối u ở tuyến yên, tuyến thượng thận hay một vị trí bất thường nào khác dẫn đến tình trạng tăng tiết cortisol, một hormone có thể đáp ứng lại sự căng thẳng và các thay đổi bên ngoài tác động vào cơ thể. Nó có thể điều chỉnh lượng đường trong máu, lượng nước trong cơ thể và các phản ứng viêm.
Tăng sinh cortisol gây ra nhiều rối loạn. Biểu hiện dễ thấy nhất của hội chứng Cushing là tình trạng béo phì không thể cải thiện bằng ăn uống. Khoảng 70% trường hợp Cushing là do u ở tuyến yên và chủ yếu hội chứng gặp ở độ tuổi 20-50. Cũng theo AANS, cứ một triệu người thì có khoảng 10-15 ca Cushing mới được chẩn đoán mỗi năm.
(Theo aans.org)
Bình luận (0)