Bộ Y tế cho biết trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (từ sáng 28 Tết đến sáng mùng 5 tết, tức từ ngày 22-1 đến sáng 29-1) có 3.508 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong số này có 2.622 ca (53%) phải nhập viện điều trị, theo dõi và đã có 6 trường hợp tử vong.
Các cơ sở y tế thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do đánh nhau
Chỉ tính riêng trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (mùng 5 tết) tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 558 trường hợp, trong đó hơn 500 ca phải nhập viện theo dõi (tăng 20,0% so với cùng ngày Tết Kỷ Hợi). Trong số này có 34 trường hợp trước đó có sử dụng rượu/bia. So với tết năm 2019, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm nhưng số ca phải nhập viện lại tăng. Những năm gần đây, số ca cấp cứu nhập viện do đánh nhau mỗi dịp tết đều ở mức cao.
Tại các cơ sở y tế, nhiều bác sĩ cho biết thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu tai nạn do "đụng chân, đụng tay", nhất là sau khi uống chút rượu, bia. Theo thống kê của Bộ Y tế, có những năm, trung bình 1 ngày nghỉ tết, các cơ sở y tế tiếp nhận gần 1.000 người nhập viện vì đánh nhau.
Số cấp cứu tai nạn giao thông giảm nhưng số tử vong lại tăng so với tết năm ngoái
Cũng theo Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ tết, tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông là hơn 30.400 trường hợp, giảm gần 18% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi 2019. Số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là hơn 12.000 trường hợp. Đã có 136 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 9 ca so với cùng kỳ tết 2019.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong số hơn 2.000 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa có 515 ca ngộ độc rượu, bia, 415 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến.
Bình luận (0)