Tháng 8-2020, Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam (PSI Việt Nam) khởi động dự án "Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng" (viết tắt là PEPHER).
Thông tin từ dự án cho biết trong giai đoạn đầu của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra quy trình tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Thu Cúc (Hà Nội)
Việc nới lỏng dãn cách xã hội, hiện tượng nhập cư bất hợp pháp và liên tiếp những ca mắc mới chưa rõ nguồn lây ngoài cộng đồng trong những ngày vừa qua đã gióng lên hồi chuông cấp thiết về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn. Cho tới nay, phần lớn các ca nghi nhiễm, ca nhiễm trong thời điểm nêu trên được phát hiện bởi các đơn vị y tế công, sự góp mặt của khối tư nhân còn đang bỏ ngỏ.
Dự án nhận thấy khối y tế tư nhân (bao gồm các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và kinh doanh dược), với lợi thế về độ bao phủ dày trên toàn quốc và là tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với người dân, sẽ và nên đóng vai trò chủ chốt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là kênh truyền thông mạnh mẽ từ chính phủ tới cộng đồng và là đơn vị phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm từ cộng đồng.
Dự án "Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng" là lời kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay tích cực, chủ động của các đơn vị y tế tư nhân, thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo nâng cao năng lực y tế; xây dựng quy trình báo cáo mẫu các ca nhiễm, nghi nhiễm; cung cấp các vật tư vệ sinh thiết yếu và truyền thông cộng đồng ngay tại cơ sở. Dự án được thực hiện tại 4 tỉnh, thành phố ước tính sẽ tiếp cận khoảng 6,5 triệu người, bao gồm các y, bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân và người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tới khám, chữa bệnh hoặc mua thuốc.
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Giám đốc PSI Việt Nam chia sẻ, thông qua dự án PEPHER, PSI Việt Nam và các đối tác mong muốn đồng hành với nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực y tế tư nhân và nhận thức cộng đồng, góp phần vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự phát triển ổn định và bền vững cho đất nước.
Mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các địa phương huy động các đơn vị y tế tư nhân đủ năng lực xét nghiệm tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị có đủ năng lực phải thực hiện xét nghiệm mà không chờ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá, thẩm định.
Theo Bộ Y tế đến ngày 12-8, Việt Nam có tổng cộng 880 ca mắc Covid-19, trong đó 321 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 419 ca. Hiện đã có 400 ca được điều trị khỏi, 17 trường hợp tử vong và 15 bệnh nhân tiên lượng rất nặng.
Bình luận (0)