Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết thông tin trên tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 11-11.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thông tin tại buổi họp báo chiều 11-11
Theo ông Lê Nguyễn, huyện Nhà Bè đang ở cấp độ dịch 2 những những ngày gần đây số ca bệnh tăng hơn so với trước. Từ ngày 5-11 đến 9-11 huyện có 543 ca F0, trong đó, nguồn lây chủ yếu từ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất với 250 ca. Cụ thể, tại khu công nghiệp Hiệp Phước số ca mắc chiếm 21%, khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) 26%, khu công nghiệp Long Hậu (Long An) 37% và các đơn vị ngoài chiếm 15%.
Ông Lê Nguyễn cho biết qua khảo sát, đánh giá thì nguyên nhân là do sau giãn cách xã hội người dân lưu thông, tiếp xúc nhiều dẫn đến số ca mắc tăng. Bên cạnh đó, tâm lý một số bộ phận người dân còn chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, một số người quan niệm tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ không mắc bệnh nên chủ quan.
Ngoài ra, việc có gần 50% các ca nhiễm SARS-CoV-2 xuất phát từ khu công nghiệp, khu chế xuất, một phần là có doanh nghiệp tại đây chưa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. "Ví dụ, các công nhân vào làm việc, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nhưng không quản lý, để các trường hợp F0 tự trở về địa phương cũng không thông báo. Cùng với đó, các công nhân lưu trú tại các khu nhà trọ nhỏ, không gian chật hẹp nên tỉ lệ lây nhiễm diễn biến nhanh" - ông Lê Nguyễn giải thích.
Ông Lê Nguyễn cũng cho biết trong ngày 9-11, huyện đã làm việc với các khu công nghiệp, khu chế xuất để có các biện pháp phòng chống dịch. Tại khu công nghiệp Hiệp Phước, các doanh nghiệp đã thống nhất thành lập khu cách ly tại đây, bảo đảm cách ly F0 ngay khi phát hiện với cơ sở sản xuất, không đưa về cộng đồng để tránh lây nhiễm, đồng thời, thành lập các trạm y tế lưu động tại đây để kịp thời chăm sóc các F0. Riêng khu công nghiệp Long Hậu đã thiết lập đường dây nóng để phối hợp thông tin giữa các đơn vị với nhau, nếu phát hiện F0 sẽ kịp thời thông báo để nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khi F0 trở về địa phương. Ngoài ra, huyện Nhà Bè đã ký kết liên tịch với UBND huyện Cần Giuộc (Long An), khu công nghiệp Long Hậu để phối hợp các biện pháp phòng chống dịch tốt nhất.
Bên cạnh đó, huyện Nhà Bè cũng đã có nhiều giải pháp như khi phát hiện F0 sẽ nhanh chóng đánh giá nếu đủ điều kiện sẽ cho được cách ly tại nhà, nếu không đủ điều kiện, F0 sẽ được chuyển đến khu cách ly tập trung của huyện. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn thực hiện khai báo, nắm bắt thông tin của người lưu trú, đồng thời, dành 50% công suất nhà trọ để thực hiện cách ly cho các F0 là người thuê trọ. Ngoài ra, địa phương cũng thực hiện công tác chăm lo an sinh cho F0 để họ an tâm cách ly tại nhà.
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết huyện cũng đang ở cấp độ dịch 2 nhưng thời gian gần đây, số ca bệnh cũng có xu hướng tăng.
Bà Lê Thụy Mỹ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chia sẻ thông tin tại buổi họp báo
Mới đây nhất, ngày 10-11 huyện có 633 ca F0 trong cộng đồng và gia đình. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lưu trú, tạm trú cao, địa bàn rộng, nhiều người còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, khi thành phố mở cửa trở lại, tái hoạt động sản xuất, kinh doanh, công nhân từ nhiều địa phương trở lại làm việc khi xét nghiệm nhanh phát hiện F0 nhưng không được quản lý dẫn đến lây lan. Đáng chú ý, lực lượng y tế còn mỏng nên không thể ra quân kiểm tra, nhắc nhở dẫn đến tình trạng lơ là.
Theo bà Châu, huyện đã xây dựng nhiều phương án, trước mắt xây dựng Bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường và dự kiến sẽ vận hành vào tuần sau. Song song đó, tiếp tục khoanh vùng, xét nghiệm các vùng nguy cơ cao, tiêm vắc-xin cho người dân...
Trả lời phóng viên về việc F0 đi nhiều nơi, không được quản lý chặt, bà Châu cho biết hiện huyện Hóc Môn có 6.471 trường hợp đủ điều kiện cách ly tại nhà. Từ ngày 1-10 đến nay, khi thành phố mở rộng giãn cách, việc quản lý F0 trên một số địa bàn xã, thị trấn còn lúng túng. Nguyên nhân do nhân lực y tế hỗ trợ rút quân, không đủ người để xử lý nên có thời điểm quản lý F0 chưa chặt.
Trước đó, huyện Hóc Môn đã phát sinh 25 ổ dịch cộng đồng nhờ sự hỗ trợ của thành phố, 25 ổ dịch này đã được ngăn chặn.
10 trường hợp tử vong dù đã tiêm vắc-xin
Tại họp báo, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong ngày 10-11, TP HCM có 38 trường hợp tử vong, trong đó, có 20 trường hợp chưa tiêm vắc-xin, 10 trường hợp tiêm 2 mũi trên 65 tuổi và có bệnh nền.
"10 trường hợp này đều trên 50 tuổi, có bệnh nền. Số tử vong vẫn tập trung ở nhóm có bệnh nền và người lớn tuổi. May mắn không có trường hợp tử vong ở trẻ em ngày hôm qua" - BS Châu nói.
Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, số ca tử vong tại TP HCM còn có cả những ca từ tuyến tỉnh chuyển lên. Ngày hôm qua (10-11), có 3 ca tử vong là bệnh nhân từ Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trước đó, có 5 ca tử vong là bệnh nhân chuyển lên từ Bình Dương, Bến Tre, Long An.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM thông tin tại buổi họp báo
Theo bác sĩ Châu, khi số ca bệnh tăng cao, không loại trừ trường hợp người trẻ tuổi có thể nhiễm bệnh và tử vong. Đặc biệt, ở một số người trẻ có cơ địa đặc biệt, phản ứng dữ dội của cơ thể tạo thành "cơn bão Cytokine" dẫn đến nguy kịch và tử vong kể cả khi đã chạy ECMO.
Do đó, bác sĩ Châu khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục tìm và phát hiện những người già, bị liệt nằm một chỗ để tiêm vắc-xin. Đồng thời, tìm giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng này khỏi lây nhiễm từ những người khác trong gia đình.
Thông tin về tiêm vắc-xin cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết theo số đăng ký ban đầu dự kiến có 701.820 trẻ tiêm vắc-xin Covid-19, tuy nhiên, chỉ có 665.449 phụ huynh đồng thuận tiêm, sau khi khám sàng lọc còn lại 651.468 trẻ được tiêm.
Theo kế hoạch, đợt tiêm chủng này kéo dài từ 5-7 ngày, bắt đầu từ 27-10 và dự kiến kết thúc ngày 4-11, cơ bản đã hoàn thành đúng kế hoạch. Tuy nhiên, một số quận huyện cũng tổ chức tiêm vét và vận động các phụ huynh không đồng thuận đăng ký tiêm cho trẻ nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng.
Đánh giá đợt tiêm chủng vừa qua, bác sĩ Tâm cho rằng đợt tiêm chủng an toàn, chỉ có 54 trẻ phản ứng sau tiêm như sốt, đau chỗ tiêm...
Bình luận (0)