: "Tôi 68 tuổi, cách đây 1 năm, tôi được phát hiện tăng huyết áp. Ngoài việc sử dụng thuốc hằng ngày, bác sĩ khuyên tôi nên có chế độ ăn nhạt. Thế nhưng, xưa nay tôi có thói quen ăn mặn nên việc thay đổi này khiến tôi ăn không ngon. Mong bác sĩ tư vấn thêm về lượng muối ăn cho người bị tăng huyết áp như tôi".
PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt là đột quỵ. Đáng nói là việc tiêu thụ thừa natri (muối) sẽ làm tăng huyết áp trong suốt cuộc đời, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng muối nạp vào cơ thể nên ít hơn 2.000 mg/ngày (tương đương với dưới 5 g muối/người/ngày). Trong khi ở nước ta, do thói quen ăn mặn nên người Việt tiêu thụ trung bình 9,4 g muối/người/ngày. Với người đã có thói quen ăn mặn, để từ bỏ là một điều vô cùng khó khăn bởi khi nấu giảm muối, món ăn sẽ nhạt nhẽo và không ngon miệng, nhưng với người mắc bệnh tăng huyết áp nên sớm điều chỉnh thói quen này.
Theo nghiên cứu, nếu chỉ ăn một bát phở bò tái chín (tô lớn) lượng muối trong đó gần như đủ cung cấp cho cơ thể trong 1 ngày, với khoảng trên 3,34 g muối hay suất cơm rang thập cẩm chứa 3,34 g muối; cơm suất văn phòng (gồm thịt nạc vai và đậu phụ) cũng có lượng muối lên tới 5,15 g... Các thức ăn chế biến sẵn như thịt hun khói, bim bim…cũng đều chứa muối. Ngay trong thực phẩm tự nhiên tưởng chừng như không có muối như một bát cơm trắng (cơm tẻ) cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01 g muối. Để hạn chế lượng muối ăn qua thực phẩm nên giảm muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng các loại đồ kho, đồ ngâm muối, đồ hộp, các thực phẩm chế biến sẵn... Không chỉ người bị tăng huyết áp và cả những người có sức khỏe bình thường khi nấu nướng hãy cho ít muối, chấm nhẹ tay và giảm đồ ăn mặn. Nếu ăn phở không nên ăn hết nước. Thay vì các món rim, kho, rang nên thường xuyên ăn các món luộc và đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi ăn.
Bình luận (0)